LTS: Một trận bóng đá sống và ngự trị trong trái tim bằng những khoảnh khắc. Một nền bóng đá tồn tại và phát triển bằng những trận cầu. Người ta có thể nói về những diễn biến ngoài trận đấu, xung quanh trận đấu nhưng rốt cục, chính 90 phút trên sân cỏ quyết định tất cả.
Trong 90 phút đó, nỗi buồn và niềm vui ngự trị. Trong 90 phút, sẽ chứng kiến cái lằn ranh nghiệt ngã giữa vinh quang và tủi nhục, giữa giấc mơ và cơn ác mộng; giữa thật và giả; giữa bóng đá và cuộc đời.
SGGP-TT xin cùng bạn đọc nhìn lại một năm của bóng đá Việt Nam bằng những khoảnh khắc mà chúng tôi ghi nhận được
Ngoài sự kiện Thể Công lần đầu tiên xuống chơi ở hạng nhất, còn 2 sự kiện khác có tầm ảnh hưởng nhất định đến V-League và cả một năm bóng đá Việt Nam nói chung đó là việc NHĐÁ xuống hạng cũng như SLNA diễn ra một cuộc thanh trừng ghê gớm nội bộ làm suy yếu đội bóng. Liên quan đến 2 sự kiện trên có những trận đấu mà người ta không bao giờ có thể hiểu được. Nói là tiêu cực cũng được, nói không tiêu cực cũng chả sao vì đấy là những trận đấu “tình nghĩa”. Những trận đấu kiểu ấy từ trước đến nay làm suy yếu bóng đá Việt Nam hoạch định bóng đá cần phải tính đến.
- Những “trận đấu” của ông Vinh và ông Thanh
![]() |
Trận đấu giữa SLNA hòa NHĐÁ (áo trắng) 3-3 trên sân Thống Nhất trong mùa giải V.League 2004. |
Sau trận hòa 3-3 cực kỳ khó hiểu trên sân Thống Nhất, HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng ông không hiểu được tại sao các cầu thủ lại như vậy. Trận kế tiếp trên sân Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Thanh với tư cách là Trưởng đoàn đã kỷ luật không cho 2 vị trí trong hàng phòng ngự thi đấu và trận đó họ hòa 0-0 rồi thua tiếp Đồng Tháp 0-1.
Đấy là thời điểm mà người ta khẳng định SLNA không còn mơ đến chức vô địch và cũng là thời điểm cao điểm nhất trong mâu thuẫn giữa ông Thanh và ông Vinh. Mục tiêu vào tốp 3 của SLNA chính thức kết thúc trong trận thua 0-1 trên sân Hàng Đẫy khi để thua LG.HN.ACB 0-1. Trong trận đấu đó, người ta thấy ông Nguyễn Hồng Thanh ngồi nói chuyện rất tâm đầu ý hợp với bầu Kiên trên khán đài.
Những người biết chuyện cho rằng, trận hòa 3-3 trên sân Thống Nhất đã dọn đường cho ông Vinh về với NHĐÁ sau mùa bóng và trận thua LG.HN.ACB là cách để ông Thanh chứng tỏ tình cảm với bầu Kiên để rồi giờ đây, ông đã làm Giám đốc của công ty bóng đá ACB. Nói cách khác, 2 con người đầy công trạng của SLNA đã chuẩn bị tương lai cho mình khi biết rằng không thể ngồi chung với nhau trên một chiếc thuyền. Hai ông ra đi, để lại một SLNA rối tinh rối mù mãi cho đến thời điểm hiện nay.
Chưa bao giờ đội bóng hùng mạnh, 2 lần vô địch quốc gia SLNA lại đứng trước những thử thách lớn như bây giờ. Những cuộc thanh trừng nội bộ diễn ra cuối mùa bóng khiến đội bóng thường chơi rực lửa này bắt đầu suy yếu dần. Các cầu thủ giỏi đang tính chuyện theo thầy. Nội bộ lãnh đạo vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Không lẽ SLNA không còn có tương lai ở mùa bóng 2005?
Chuyện ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Các hợp đồng từ lúc còn đá năng khiếu hiện trói chân không cho các cầu thủ giỏi ra đi nhưng tâm trạng của họ không còn tồn tại ở đội bóng. Việc ông Nguyễn Hồng Thanh về lại Nghê An đặt vấn đề mua cầu thủ cho thấy trước sau gì đội bóng nhiều tài năng này cũng sẽ chảy máu lớn. Hiện đã có khá đông cầu thủ vào với ông Vinh tại NHĐÁ và người ta tự hỏi liệu đến lúc nào những Huy Hoàng, Văn Quyến, Tân Thịnh…sẽ ra Hà Nội cùng ông Thanh?
Trong làng bóng Việt Nam, ông Vinh và ông Thanh đều được nể trọng bởi khả năng ngoại giao cùng với những mối quan hệ mật thiết với các đội bóng khác. Cuộc chia tay giữa SLNA và 2 con người này chắc chắn sẽ gây biến động lớn trong làng bóng Việt Nam năm 2005. Tại LG.HN.ACB, ông Thanh đã nắm trong tay mọi quyền hành và những mối quan hệ với Hòa Phát, với Đà Nẵng, với Hải Phòng sẽ là cơ sở để LG.HN.ACB mơ vào tốp 3 đội sau 4 năm. Còn NHĐÁ, không có lý do gì để họ không trở lại hạng chuyên nghiệp dưới thời ông Vinh.
- NHĐÁ xuống hạng, một cách nhìn mới về bóng đá chuyên nghiệp?
Nếu việc Thể Công xuống hạng là điều còn có thể đoán biết trước thì NHĐÁ xuống hạng quả là điều cực kỳ khó hiểu. Họ có lực lượng, có tiền nhưng lại thiếu sự hiểu biết về bóng đá, nhất là thứ bóng đá nửa chuyên nghiệp- nửa bao cấp ở Việt Nam.
NHĐÁ có vẻ như học theo cách làm của HA.GL khi mua hàng loạt chiến tướng từ đội tuyển Thái Lan nhưng lại thiếu những nhà quản lý giỏi về bóng đá như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh hay Calisto, thế là mọi việc giao khoán cho HLV Vital vốn chỉ giỏi về chuyên môn. Bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa hẳn có tiền là đủ và đó là bài học lớn dành cho NHĐÁ, chính vì vậy họ mới mời HLV Nguyễn Thành Vinh về để quyết trở lại hạng chuyên nghiệp.
Thất bại của NHĐÁ và Thể Công là một bài học lớn. Nếu hiểu theo hướng tích cực, nó giúp những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiểu rằng nếu không biết uyển chuyển, nếu chỉ dựa vào những cách tính thông thường thì khó mà tồn tại. Chúng tôi chọn việc NHĐÁ rớt hạng là một sự kiện trong năm 2004 cũng vì lẽ ra họ đã không xuống hạng nếu biết rằng bóng đá không hề đơn giản. NHĐÁ xuống hạng bởi vì những nhà điều hành đội bóng không hiểu gì về bóng đá Việt Nam. Nó khác chuyện xuống hạng của Thể Công. Ở đội bóng quân đội, họ xuống hạng vì không chịu hiểu bóng đá chuyên nghiệp là gì.
Việt Tâm
Bài 4: Cú tuột dốc không phanh của Thể công
Các tin, bài viết khác
-
Giải chạy Vietnam Trail Marathon 2021: Hơn 4.000 VĐV sẽ khuấy động đường đua Mộc Châu
-
ĐT nữ Việt Nam thua đội cựu tuyển thủ 4-5
-
Muangthong United quyết kiện Văn Lâm lên FIFA
-
Bruno Fernandez tiết lộ học Mata kỹ thuật sút phạt để đánh bại Liverpool
-
Neymar cần thay đổi lối chơi ‘làm nhục’ đối thủ
-
“Đại bàng Nga” Khabib Nurmagomedov: Sẽ không quay trở lại vì đẳng cấp cao hơn Poirier, McGregor rất nhiều
-
Barca dẫn đầu doanh thu mùa Covid-19
-
Lampard phá vỡ im lặng sau quyết định sa thải
-
HLV không phải là nghề để mơ mộng
-
Lịch thi đấu Cúp Italia và Tây Ban Nha ngày 27-1: Đại chiến thành Milan