Bài 3: Học viện bóng đá “kiểu Việt Nam”

Chuyện xưa như… trái đất

Học viện Bóng đá: Xu hướng hay thương vụ kinh doanh?

Hơn chục năm trước, bóng đá Nghệ An đã có kế hoạch nhân rộng mô hình “học viện bóng đá” ra khỏi ranh giới tỉnh này. Thời điểm đó, Báo SGGP đã phối hợp Sở TDTT Nghệ An tổ chức buổi tọa đàm đầu tiên về việc triển khai mô hình bóng đá từ bậc tiểu học tại TPHCM hồi năm 2004 thu hút rất đông người tham gia, nhưng mọi thứ sau đó lại đi vào quên lãng…

Chuyện xưa như… trái đất

Chuyến đi quảng bá cho mô hình “học viện bóng đá” Nghệ An của ông Nguyễn Hoàng Thụ, Giám đốc Sở TDTT tỉnh này lúc bấy giờ, có hai nguyên nhân: Thứ nhất là SLNA đã trở thành CLB chuyên nghiệp, nhu cầu sử dụng cầu thủ tại chỗ cũng có chút thay đổi. Thứ hai, quan trọng hơn cả, đó là việc hàng loạt nhân tài xứ Nghệ tụ họp tại HA.GL của bầu Đức và làm nên hai chức vô địch V-League liên tiếp. Thế là những người làm bóng đá trẻ Nghệ An nghĩ ngay đến chuyện đào tạo cầu thủ để bán. Cá nhân ông Nguyễn Hoàng Thụ thì sử dụng mô hình đó làm luận án tiến sĩ sau khi rời nhiệm sở.

Đứng ở góc độ của bóng đá Việt Nam, những gì mà bóng đá Nghệ An đã làm có thể nói là chuẩn. Họ đưa bóng đá vào trường mầm non, tiểu học. Tuyển chọn cầu thủ từ sân chơi do Báo Nghệ An tổ chức, đó là giải Thiếu niên - Nhi đồng toàn tỉnh, khởi đầu tận những năm…1979 để đến nay, mỗi năm có hàng trăm đội bóng tham gia từ cấp cơ sở và đến vòng chung kết cấp tỉnh còn khoảng 40 đội với 600 em. Đây là nơi để đoàn bóng đá SLNA chọn cầu thủ vào các đội trẻ từ lứa tuổi U.11 do các cựu danh thủ xứ Nghệ đứng lớp. Từ đây, SLNA hình thành các đội tuyển thi đấu đủ các lứa tuổi do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức và như đã biết, đây là CLB duy nhất tại Việt Nam có chức vô địch ở mọi lứa tuổi của bóng đá trẻ.

So sánh thì hơi khập khiễng, nhưng mô hình của SLNA rất gần với “lò” La Masia của Barcelona, từ sự độc lập trong công tác tổ chức đến những tiêu chí đào tạo theo chuẩn của CLB. Cầu thủ do SLNA đào tạo ưu tiên thi đấu cho CLB và thường xuyên được cho mượn thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Suốt từ năm 2000 đến nay, bóng đá xứ Nghệ thành công rực rỡ với mô hình này với ít nhất 4 tuyến cầu thủ đã được “xuất khẩu” ra khỏi ranh giới Nghệ An. Tiêu biểu như tại 2 đội bóng của HLV Miura hiện nay, có đến hơn 10 cầu thủ đang và đã trưởng thành từ “lò” này, kể cả ngôi sao của HA.GL là Nguyễn Công Phượng vốn từng bị trượt khi thi vào các tuyến trẻ của SLNA, dù anh đã từng thi đấu tại giải Thiếu nhiên - Nhi đồng lúc còn đi học.

Đến nay, SLNA vẫn được xem là thành công trong việc đào tạo bóng đá trẻ. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Khi các “lò” đào tạo… buồn phiền

Như đã nói, mô hình đào tạo bóng đá trẻ kiểu học viện hoàn toàn không mới tại Việt Nam, tuy nhiên những người đứng đầu VFF cứ “khen lấy, khen để”, thậm chí xem mô hình Học viện HA.GL - Arsenal JMG là “kiểu mẫu” đã khiến các trung tâm đào tạo khác không khỏi buồn phiền. Lý do: đến nay chưa có gì chứng minh mô hình của HA.GL đang làm là thành công hay thất bại.

Thật thế! Điều khác biệt duy nhất của Học viện HA.GL - Arsenal JMG so với các trung tâm như PVF hay Viettel, đó là không tổ chức các đội thi đấu những giải theo lứa tuổi mà đào tạo một mạch trong 5 năm trước khi tiến hành du đấu “chào hàng” ở nước ngoài. Chào bán không được thì đưa thẳng lên đội 1 HA.GL như lứa U.19 vừa qua, khiến người ta có cảm giác là thành công.

Trên thực tế, theo đúng mô hình học viện thì tính hiệu quả nằm ở khả năng bán được cầu thủ sau khi kết thúc đào tạo. Hiện Trung tâm Viettel cũng đã “xuất” được lứa cầu thủ đầu tiên nhưng khá hạn chế, nổi trội vẫn là trung vệ đội U.19 Tiến Dũng đang được HA.GL mua về đá giai đoạn 2 V-League, còn PVF thì phải đến năm sau mới cho ra lò lứa cầu thủ U.19 đầu tiên. 

Một lý do khác khiến nhiều người không đồng ý về việc xem Học viện HA.GL - Arsenal JMG như mô hình chuẩn, đó là yếu tố kinh doanh. Như đã nói, học viện khác “lò” ở chỗ, đây là mô hình kinh doanh, không có chức năng đào tạo cho bất kỳ CLB nào (trừ khi CLB đề nghị trực tiếp). Việc đưa lứa cầu thủ này đá V-League nếu xét ở khía cạnh kinh doanh thì đấy là thành công của CLB (không tốn chi phí mua cầu thủ) chứ không phải của học viện (mất trắng khoản đầu tư). Nếu như vậy, phải xem học viện như “lò” đào tạo theo kiểu SLNA (tức là đào tạo cho CLB) chứ hoàn toàn không có gì nổi trội hay “hình mẫu” nào cả.

Mọi thứ chỉ gọi xem là đúng khi có vài ba cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh… được các CLB châu Âu hay thậm chí châu Á mua về cho các tuyến trẻ của họ, số còn lại được CLB HA.GL mua tiếp bằng hợp đồng chuyên nghiệp hẳn hòi.

VIỆT QUANG - ĐĂNG KHOA

>> Bài 2: Tìm hiểu mô hình học viện Arsenal - JMG

>> Bài 1: Sự khác nhau giữa học viện và “lò”

Tin cùng chuyên mục