Bài 2: Củng cố tổ chức, cải tiến hoạt động

Võ thuật TPHCM trên đường phát triển

Nhìn ở chiều rộng, phong trào võ thuật ở TPHCM phát triển đều khắp 24 quận, huyện, nhiều trường trung cấp, đại học, một số ban ngành. Đây là nền tảng để ngành thể dục thể thao (TDTT) thành phố tuyển chọn, xây dựng lực lượng thi đấu đỉnh cao.

1. Chẳng hạn như tại quận 8, hiện có khoảng 2.000 võ sinh luyện tập 10 môn dưới sự hướng dẫn của gần 100 HLV. Đông nhất là môn vovinam với gần 1.000 võ sinh; kế đến là taekwondo, võ cổ truyền. Trong đó, có 5 trường đưa võ thuật vào danh sách các môn thể thao tự chọn, 30 trường đưa vào chương trình ngoại khóa. Các môn vovinam, taekwondo, boxing… đều giành được thành tích cao trên đấu trường quốc gia và quốc tế, riêng môn vovinam luôn giành giải nhất toàn thành và có cả những nhà vô địch thế giới. 

Trưởng thành từ phong trào vovinam của quận nhà, ông Nguyễn Hồng Quì, Phó giám đốc Trung tâm TDTT quận 8, bày tỏ: “Với nền tảng được thầy Nguyễn Văn Chiếu xây dựng gần 40 năm qua và đặc điểm vùng ven nên thanh thiếu niên quận 8 rất yêu thích môn võ thuật. Sự tận tụy của đội ngũ HLV cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và giữ vững phong trào. Vấn đề còn lại là trung tâm tiếp tục tham mưu cùng lãnh đạo quận 8 đầu tư thêm về cơ sở vật chất cũng như vận động thêm nhiều tổ chức xã hội chung tay góp sức phát triển phong trào”.

Hai nhà VĐTG Nguyễn Văn Cường và Phạm Thị Phượngxuất thân từ lò võ vovinam ở quận 8 (ảnh tư liệu)

2. Từ đầu những năm 2000, CLB võ thuật tư nhân bắt đầu xuất hiện, riêng môn taekwondo có đến 50 - 60 CLB. Trong số những đơn vị hoạt động tương đối ổn định có CLB taekwondo Long Thành Plastic do HLV Nguyễn Hoàng Huy thành lập từ tháng 12-2010. Thuê phòng tập tại Trung tâm Văn hóa quận 5 (cơ sở 2) trên đường Triệu Quang Phục  từ 17 giờ 30 đến 20 giờ mỗi ngày và mua sắm trang thiết bị tập luyện, Long Thành Plastic lúc đầu chỉ có 60 võ sinh nay đã tăng gần gấp đôi tại địa điểm này, đồng thời còn liên kết tổ chức hàng chục lớp tập khác tại các nhà văn hóa, trường học ở các quận: 8, 5, Tân Phú, Gò Vấp và Cần Đước (Long An), Gò Công Đông (Tiền Giang). Không chỉ mở rộng phong trào, CLB còn chọn lựa VĐV để tập luyện thi đấu đỉnh cao và đã lọt vào tốp 3 thi quyền cúp CLB mạnh toàn thành và toàn quốc từ năm 2013 đến nay. 

HLV Hoàng Huy cho biết thêm: “Được sự tài trợ của Công ty Nhựa Long Thành, CLB đã có điều kiện tham gia các giải toàn quốc. Đặc biệt, CLB còn mua bảo hiểm tai nạn cho võ sinh theo quy định. Với ban huấn luyện gồm 15 người thường xuyên tham các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Liên đoàn Taekwondo TPHCM và Việt Nam tổ chức nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn nên CLB đã ổn định sĩ số và cân đối được nguồn thu”.   

3.  Tuy nhiên, do định hướng phát triển còn bất cập, sự cạnh tranh gay gắt từ các tỉnh, thành bạn, một số VĐV tài năng tập trung học văn hóa hoặc nội bộ chưa đồng lòng… nên thành tích các môn taekwondo, judo, karatedo… trong những năm gần đây chưa đạt kết quả như mong muốn.

Liên đoàn Võ thuật TPHCM giải thể vào tháng 12-2013. Các môn judo, võ cổ truyền, taekwondo, karatedo, muay... đã thành lập liên đoàn riêng theo quy định mới. Từ những bước thăng trầm đã qua, làng võ TPHCM đang củng cố tổ chức, lực lượng, nhất là cải tiến hoạt động của các liên đoàn để vượt qua những thách thức mới mà trước mắt là vòng loại Olympic Rio 2016 (đối với taekwondo) và các giải quốc tế khác.

Đánh giá về phong trào võ thuật TPHCM, ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM, phát biểu: “Trong gần 40 năm qua, làng võ TPHCM đã giúp thanh thiếu niên nâng cao sức khỏe cũng như đóng góp quan trọng vào thành tích chung của thành phố và quốc gia. Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các ban ngành, địa phương, cần ghi nhận công sức của các HLV đã vượt khó, gắn bó và hoạt động không mệt mỏi vì phong trào. Ngân sách Nhà nước có hạn nên chúng tôi mong muốn các liên đoàn võ thuật huy động các nguồn lực xã hội hóa để cùng xây dựng phong trào lẫn đào tạo đỉnh cao theo đúng quy định của ngành TDTT thành phố”.

THIỆN TÂM

>> Bài 1: Hình thành và hội nhập

Tin cùng chuyên mục