Năm 1995, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trở lại bục danh dự của đấu trường Đông Nam Á sau chiến thắng Indonesia 1-0 giành quyền vào bán kết và thắng Myanmar 2-1 để lọt vào trận chung kết. Dù tấm huy chương có trong tay ở SEA Games ấy không phải là màu vàng, nhưng thế hệ cầu thủ năm ấy xứng đáng được gọi là “Cầu thủ vàng”.
![]() |
Niềm vui sau trận bán kết thắng Myanmar. |
Song, một chi tiết mà ít ai biết rằng thành công năm đó của bóng đá Việt Nam chính là nguồn cảm hứng ý tưởng cho một giải thưởng dành tôn vinh cầu thủ bóng đá Việt Nam – Đó chính là giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” do Báo SGGP khởi xướng và tổ chức liên tục 10 năm qua.
Người viết còn nhớ năm ấy, ngồi sau khung thành thủ môn Nguyễn Văn Cường, chứng kiến sự chống đỡ kiên cường của toàn đội tuyển trước sức công phá mãnh liệt của các tuyển thủ Myanmar vừa trẻ, vừa khéo léo đến tuyệt vời. Lúc ấy tỷ số trận đấu đang là 1-1 (Huỳnh Đức gỡ hòa chỉ sau không đầy 10 phút khi cầu thủ Myanmar có bàn mở tỷ số).
Càng về khuya, trời Chiang Mai càng lạnh. Cái lạnh thấu tận xương khán giả ngồi xem, nhất là những người lần đầu đến vùng đất miền Bắc Thái Lan này. Ngoài lạnh, nhưng trong lòng lại nóng, cái nóng của sự lo lắng, hay người ta thường gọi là “toát mồ hôi lạnh”. Hiệp đấu phụ trôi qua trong khó khăn, chật vật của đội tuyển, với nhiều cầu thủ bị chấn thương và mất sức.
|
Toàn đội tuyển VN sau lễ nhận huy chương bạc. |
Thì bất ngờ, từ một pha tấn công biên phải, bóng bật hàng thủ Myanmar trở ra, rồi lại được nhồi trở lại lần nữa, Huỳnh Đức bật cao “cuốn” 2 hậu vệ đối phương lao theo và quả bóng rơi xuống đúng tầm cho Minh Chiến tung cú vô lê chân phải tung lưới Myanmar.
Một bàn thắng vàng đúng cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Vì khi ấy FIFA còn áp dụng luật “bàn thắng vàng”, mà đáng lý ra Minh Chiến phải được đưa tên vào lịch sử bóng đá thế giới, như cầu thủ đầu tiên ghi “bàn thắng vàng” trong một giải đấu chính thức của quốc tế.
Về phần mình, cũng như hàng triệu người hâm mộ bóng đá VN khác, tôi vui mừng khôn xiết. Trong đầu lúc ấy cứ lởn vởn 3 chữ “Bàn thắng vàng”. Và rồi một ý tưởng chợt lóe lên: Tại sao chúng ta không lập một giải thưởng dành để trao tặng, tôn vinh cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất Việt Nam? Vậy giải thưởng đó gọi bằng gì?
|
Trận chung kết gặp chủ nhà Thái Lan (áo sậm). |
Từ 3 chữ “Bàn thắng vàng” đang lởn vởn trong đầu, tôi nghĩ ngay đến 3 chữ “Quả bóng vàng”. Dù vậy, tôi cũng cảm thấy e ngại, vì liệu tên giải thưởng có nghe “kêu” quá không? Các nước chung quanh làm gì có giải thưởng này, mà trên thế giới cũng chỉ có giải thưởng cấp khu vực như châu Âu hay Nam Mỹ, cấp thế giới thì mới dùng đến tên gọi “Quả bóng vàng”.
Mặc kệ, bằng niềm hạnh phúc chiến thắng, bằng tình cảm dành cho những cầu thủ đã góp công lớn vào thành tích của đội nhà, tôi nghĩ ở bên Tây họ có “Quả bóng vàng” thì ta có cũng chẳng sao. Thế là cú điện thoại đầu tiên gọi về nước cho “sếp” Hồ Nguyễn, Trưởng ban TDTT của báo, tôi trình bày ý tưởng của mình và được ủng hộ ngay.
Tôi viết kế hoạch tổ chức ngay trong đêm từ khách sạn Mae Ping, rồi fax về tòa soạn. Bên nhà, “sếp” Nguyễn tất bật với việc chuẩn bị cho giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức.
Kỳ sau: 3 người lên bục nhận giải lần đầu không có cầu thủ ghi “bàn thắng vàng”.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Thần đồng điền kinh Thái Lan chạm gần đến ngưỡng của Usain Bolt
-
Giải chạy bộ Đất Mũi Marathon Cà Mau 2022
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Thái Sơn Nam bị Sài Gòn FC chia điểm đầy kịch tính
-
Barca dọa kiện Roma vì rút lui khỏi Joan Gamper Trophy
-
Chơi đầy nỗ lực tại chung kết, Nguyễn Anh Tú giành HCB đơn nam vô địch Đông Nam Á
-
Wimbledon: Novak Djokovic khởi đầu chật vật với 4 ván, sẽ đấu đối thủ Australia đầu tiên kể từ sự cố Australian Open
-
Arsenal sẽ không dừng lại ở Gabriel Jesus
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại