Bác sĩ thể thao - người mang lại 50% thành công cho các VĐV

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, những bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong lĩnh vực y học thể thao là những các nhân được các HLV, VĐV và lãnh đạo ngành thể thao nói chung tri ân sâu sắc nhất. Nếu không có họ, chắc chắn các đội tuyển thể thao quốc gia và các VĐV sẽ không có được những thành tích xuất sắc.

Bác sĩ Dương Tiến Cần và HLV Park Hang Seo. Ảnh: L.Đ
Bác sĩ Dương Tiến Cần và HLV Park Hang Seo. Ảnh: L.Đ

Dương Tiến Cần, bác sĩ âm thầm sau sân đấu

Bác sĩ Dương Tiến Cần (thuộc bệnh viện thể thao Việt Nam) không phải cái tên xa lạ với các đội tuyển thể thao quốc gia, đặc biệt là những đội tuyển tham dự các giải đấu quan trọng cấp đại hội. Gần như mỗi khi đoàn thể thao tham gia đấu trường, Dương Tiến Cần là 1 trong những thành viên thuộc đội ngũ y tế được bố trí trong đoàn để làm công tác chuyên môn y học theo nhiệm vụ phân công.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà chàng bác sĩ quê xứ Thanh (Thanh Hóa) này từng trò chuyện chính là thời điểm được góp mặt trong đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. Thời khắc xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh giành tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic, cả quốc gia và đoàn Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc chiến thắng. Lúc đó, Tiến Cần cũng xúc động không kém bởi mình là người trực tiếp tham gia công tác vật lý trị liệu và chăm sóc sức khỏe cho xạ thủ đàn anh để có sự ổn định tốt nhất về thể lực, ra thi đấu thành công. “Khi anh Vinh đoạt HCV, tôi cũng nhẩy lên vì vui mừng chẳng kém như mình là người đứng trước bia bắn”, chàng bác sĩ từng kể lại.

Chính bác sĩ Dương Tiến Cần tâm niệm “với chúng tôi, chiến thắng của HLV, VĐV cũng là chiến thắng của mình. Họ khi được ổn định và đạt sức khỏe 100% ra thi đấu là không gì vui bằng. Nghề bác sĩ có chuyên môn riêng nên có niềm vui thầm lặng thế mà. Tôi và nhiều đồng nghiệp là bác sĩ thể thao nên có đặc thù riêng đi theo nhiều đội tuyển, kể như ăn-ngủ cùng VĐV trong giải đấu nên xem như là một tuyển thủ quốc gia rồi. Chúng tôi là những người ở phía sau hậu trường và chứng kiến sự thăng hoa, đạt kết quả trong thi đấu của họ là mãn nguyện rồi”.

Lúc này, bác sĩ Dương Tiến Cần là thành viên của đội U23 bóng đá nam Việt Nam đang thi đấu tại Campuchia. Một sự trân trọng đáng ghi nhận khi ngay ở  thực địa giải đấu, bác sĩ Cần và một số tuyển thủ đã dương tính Covid-19. Không vì thế, tinh thần nản chí mà trái lại, công việc của người bác sĩ cần đảm bảo sức khỏe cho cầu thủ nên bác sĩ Dương Tiến Cần vẫn đảm bảo tác y tế hỗ trợ những cầu thủ đã là F0 cùng hồi phục, sớm đạt lại sức khỏe tốt nhất. “Đây là một chuyến công tác đáng nhớ và sẽ có nhiều kỷ niệm về nghề. Lúc này, tôi cùng các cầu thủ sẽ hy vọng sớm vượt qua Covid-19 để có một sức khỏe tốt nhất”, bác sĩ Dương Tiến Cần chia sẻ.

Mỗi người là một bông hoa đẹp

Bác sĩ thể thao - người mang lại 50% thành công cho các VĐV ảnh 1 Bác sĩ Dương Tiến Cần (hàng dưới, thứ 2 từ phải sang) khi tham gia chăm sóc sức khỏe cho VĐV taekwondo tại SEA Games 30-2019

Trên thực tế, nhiều bác sĩ thể thao tham gia các đoàn thể thao Việt Nam dự đại hội hay song hành công tác với các đội tuyển thể thao mang trọng trách chính là đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho tuyển thủ về công tác y tế.

Tuy thế, trong những thời điểm cần thiết, có người cũng sẵn lòng giúp đỡ VĐV ở chuyện thổi cơm, bếp núc khi xa nhà. Điều này, nhiều bác sĩ đi theo đội bóng đá nữ Việt Nam từng được mọi người nhắc tới.

Ngoài ra, nhiều bác sĩ sẵn lòng kiêm cả công việc kỹ thuật viên vật lý trị liệu khi tham dự các đoàn thể thao mà chỉ có ý nhân viên y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Phú (bệnh viện thể thao Việt Nam) là người hiểu rõ điều này. Với kinh nghiệm nhiều năm từng theo các đoàn thể thao dự  đấu trường đại hội, bác sĩ Phú hiểu một nhân viên y tế của đoàn có trọng trách quan trọng, kiêm nhiệm nhiều công việc là bình thường. Khi việc tới tay, dù là bác sĩ hay nhân viên vật lý trị liệu, tất cả họ đều sẵn lòng giúp đỡ VĐV.

Olympic Rio de Janeiro và SEA Games 29-2017 là 2 đại hội thể thao mà nhiều người chứng kiến thể thao Singapore huy động tới 10 nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe đi riêng phục vụ cho ngôi sao bơi lội số 1 Joshep Schooling của mình. Một số bác sĩ của thể thao Việt Nam kể rằng, những quốc gia mạnh về kinh tế đều có sự chuẩn bị như vậy cho VĐV nòng cốt. Từ ví dụ đó để thấy, công tác y tế thể thao cho VĐV được các quốc gia đặt lên hàng đầu bởi 50% thành công ở thành tích của VĐV chính là nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, nhân viên y tế và 50% còn lại là từ chuyên môn, năng lực cá nhân VĐV kết hợp với sự huấn luyện của HLV.

Chắc chắn, những bác sĩ của thể thao Việt Nam như Nguyễn Văn Phú, Chu Văn Tấn, Đào Đức Bôn, Vũ Xuân Công, Nguyễn Trọng Thủy, Dương Tiến Cần, Nguyễn Thị Thu Giang, Trần Thị Nga, Nguyễn Trọng Hiền, Lê Nguyên Long, Trần Tiến Dũng, Lê Bửu An, Nguyễn Thị Thu Hiền... luôn là những người bạn cần thiết cho các đội tuyển thể thao quốc gia.

Tin cùng chuyên mục