Ba đại sư phụ của những giải đấu lớn

ATP World Tour

Họ vốn chưa giải nghệ. Không, phải nói chính xác là, họ vẫn đang chơi bóng ở đỉnh cao phong độ, nhưng chúng ta vẫn có thể gọi họ là huyền thoại của làng quần vợt nam thế giới ngay vào lúc này, như những người đã gác vợt từ lâu rồi. Họ không phải những huyền thoại xưa cũ như là Pete Sampras, như là Andre Agassi – mà là ba đại sư phụ ở những giải đấu lớn trong lịch sử ATP World Tour, những giải đấu từ đẳng cấp Masters 1.000 trở lên, bao gồm hệ giải Masters, hệ giải Grand Slam và giải đấu tổng kết cuối mùa ATP World Tour Finals. Họ chính là Roger Federer, Novak Djokovic và Rafael Nadal…

Giành được bất kỳ danh hiệu nào trong số 4 kỳ giải Grand Slam đình đám (Australian Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open), ATP World Tour Finals (giải đấu tổng kết cuối mùa dành cho 8 tay vợt hay nhất trong năm) và 9 giải Masters 1.000 “danh trấn thiên hạ” (Indian Wells, Key Biscayne – Miami Masters, Monte Carlo Masters, Madrid Masters, Rome Masters, Canada Masters, Cincinnati Masters, Shanghai Masters và Paris Masters) đều là những chiến tích “kinh thiên động địa”. Nhưng nếu giành được rất nhiều những danh hiệu này thì sao. Điều đó sẽ biến bạn trở thành một… “đại sư phụ” thật sự. Lịch sử làng quần vợt nam thế giới vốn không có điều kiện chứng kiến nhiều vị đại sư phụ kiểu này, người ta từng thấy dáng vóc đó với Lleyton Hewitt, Gustavo Kuerten, Sampras hay là Agassi, nhưng hiện nay, chỉ có “3 đại sư phụ” đáng kể nhất, đó là những con người bằng xương bằng thịt mà chúng ta đang chứng kiến, đó là Federer, Djokovic và Nadal.

Ba đại sư phụ của những giải đấu lớn ảnh 1

Roger Federer trong một buổi tập chuẩn bị cho Rome Masters.

Federer có thể đang bị lấn lướt ngay vào lúc này, nhưng chắc chắn, anh vẫn là tay vợt sở hữu nhiều thành tích ở các giải đấu lớn nhất. Với 17 danh hiệu Grand Slam, 6 danh hiệu ATP World Tour Finals (cả 2 thành tích này đều là những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”) và 24 danh hiệu Masters 1.000 (trong đó có đến 7 danh hiệu Cincinnati Masters), anh đang có trong tay 47 danh hiệu lớn. Tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sĩ đã tham gia tổng cộng 203 giải đấu lớn, và tính đến lúc này, anh có tỷ lệ đăng quang trung bình ở 1/4,3 giải đấu lớn mà anh đăng ký tham gia.

Dù đang là “đại sư phụ” ở hệ giải Masters 1.000 (danh hiệu Madrid Masters mà Djokovic vừa giành được chính là danh hiệu thứ 29 ở hệ giải này, với thành tích này  anh đã vượt qua Nadal trên bảng xếp hạng khi hơn tay vợt người Tây Ban Nha đúng 1 danh hiệu), nhưng Djokovic vẫn còn kém Federer 2 danh hiệu lớn. Cụ thể, tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia đã giành được 11 danh hiệu Grand Slam cùng với 5 danh hiệu ATP World Tour Finals. Tất nhiên, với khoảng cách khá mong manh là 2 danh hiệu, e rằng Djokovic sẽ vượt qua Federer để  trở thành “đệ nhất đại sư phụ” ngay trong mùa giải năm nay.

Nadal từng giữ thành tích số 1 ở hệ giải Masters 1.000 trước khi cơn bão tố mang tên Djokovic ập đến cuốn phăng hầu như tất cả. Dù vậy, anh vẫn vinh dự là người xếp thứ 2 ở hệ giải Masters 1.000 với 28 danh hiệu (trong đó có 9 danh hiệu Monte Carlo Masters và 7 danh hiệu Rome Masters). Nadal cũng đang sở hữu 14 danh hiệu Grand Slam (thành tích ngang bằng với huyền thoại người Mỹ Sampras). Điểm khiếm khuyết duy nhất của cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha là anh chưa một lần lên ngôi ở ATP World Tour Finals (thành tích tốt nhất là 2 lần lọt đến trận chung kết trong các năm 2010 – thua Federer, và 2013 – thua Djokovic).

Federer với 47 danh hiệu, Djokovic với 45 danh hiệu và Nadal với 42 danh hiệu, họ đã tạo ra một khoảng cách rất xa với những tay vợt bám đuổi phía sau. Người xếp gần nhất là huyền thoại đã giải nghệ người Mỹ Sampras. Sampras “chỉ có” 30 danh hiệu lớn trong những năm lăn lộn với quần vợt chuyên nghiệp, trong đó, có 14 danh hiệu Grand Slam, 5 danh hiệu ATP World Tour Finals và 11 danh hiệu Masters 1.000. Ngay phía sau Sampras là đồng hương Agassi với 8 danh hiệu Grand Slam, 1 danh hiệu ATP World Tour Finals và 17 danh hiệu Masters 1.000 (tổng cộng 26 danh hiệu lớn). Còn cách phía sau Agassi một khoảng cách rất xa lại chính là Andy Murray với 13 danh hiệu lớn, trong đó có 2 danh hiệu Grand Slam, không có danh hiệu ATP World Tour Finals nào và 11 danh hiệu Masters 1.000. Dù được xếp “chung mâm” với Federer, Djokovic và Nadal, hình thành nên “nhóm bộ tứ”, có vẻ, thực chất Murray nằm ở một đẳng cấp rất khác, và vẫn đang chờ được khai sáng như những gì mà Ivan Lendl đã làm với anh.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Andreescu đánh bại Raducanu

Miami Open: Bianca Andreescu đánh bại Emma Raducanu trong trận “Mỹ nhân đại chiến”

Hai người đẹp trẻ trung của làng quần vợt nữ thế giới, và cũng là 2 nhà vô địch US Open gần đây, đã có cuộc đối đầu thu hút sự chú ý của đông đảo giới mộ điệu ngay ở vòng 1 giải đơn nữ Miami Open - Miami Masters 2023. “Công chúa lọ lem” Bianca Andreescu đánh bại “Quý cô Anh quốc” Emma Raducanu với điểm số 6-3, 3-6, 6-2 trong cuộc đối đầu này...

Bóng đá quốc tế

Bóng đá Indonesia, vì đâu nên nỗi?

Indonesia vừa bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup cho dù sự kiện này chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh. Điều đó cho thấy FIFA đã không thể “chịu đựng” được nữa và họ buộc phải sửa sai theo kiểu bất chấp hậu quả. Uy tín của bóng đá Indonesia và hình ảnh đất nước vạn đảo trên bờ vực suy giảm nghiêm trọng. Tổng thống Joko Widodo buộc phải “lệnh” cho Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI), tỷ phú Erick Thohir, bay gấp sang Zurich (Thụy Sĩ) nhằm cứu vãn tình hình.