Arsenal - Chelsea: Được ăn cả, ngã về không

Lần cuối cùng mà chung kết Cúp FA diễn ra giữa các ‘đại gia” là vào năm 2012, khi Chelsea đối đầu với Liverpool, nhưng đó chỉ là một đội hạng 6 đá với một đội hạng 8. 
Diego Costa (trái, Chelsea) che bóng trước Shkodran Mustafi (Arsenal).
Diego Costa (trái, Chelsea) che bóng trước Shkodran Mustafi (Arsenal).
Trận chung kết được xem là ‘đại chiến” gần nhất cách đây đúng 10 năm, diễn ra giữa 2 đội đứng nhất nhì giải ngoại hạng: Man.United và Chelsea.
Như vậy, đúng một thập niên, Cúp FA mới có được một trận chung kết đáng xem, tôn vinh được giá trị của giải đấu lâu đời nhất thế giới này. Không chỉ mang ý nghĩa “đại chiến”, đây còn là một trận đấu rất nhiều ý nghĩa với cả 2 đội. Với Chelsea, như Conte đã nói, ông ta muốn thắng cú đúp để khẳng định giá trị và để cho chiếc cúp vô địch Anh không có chút tì vết nào. Với Arsenal, nó gần như là liều biệt dược để làm bớt đi nỗi đau từ vết thương đang rỉ máu tại sân chơi Ngoại hạng.
Với góc nhìn của các nhà quan sát, Arsenal sẵn sàng ‘đổ máu” cho trận đấu này. HLV Wenger thừa nhận, ngay cả khi thắng Cúp FA thì ông ta cũng chẳng biết chắc được tương lai của mình. Thế nhưng với Arsenal, chiến thắng tại Wembley ngày hôm nay có thể sẽ tạo nên khởi đầu mới cho họ. Bằng ngược lại, những u ám về viễn cảnh “hậu tốp 4” đang chực chờ ập tới.
Sự thú vị nằm ở chỗ đó: Một đội bị đánh giá là yếu hơn, đang tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, lại lao vào cuộc chiến bằng thái độ “không còn gì để mất”, thì liệu có phải là tự nộp mình cho đoàn quân thiện nghệ của Conte hay không? Và liệu ông Wenger có điên rồ đến mức “đè”  Chelsea ngay từ đầu để nhận các quả đắng từ sự sắc sảo đến mức thượng thừa của Chelsea?
Theo bình luận viên tiếng tăm Mark Lawrenson thì Arsenal chả còn chọn lựa nào khác ngoài …liều mạng. Họ vắng Koscielny vì thẻ phạt, Gabriel thì chấn thương còn Mustafi thì chưa hồi phục đủ. Như vậy, Arsenal vẫn sẽ đá với sơ đồ 3 hậu vệ nhưng gần như không có thủ lĩnh tin cậy để chỉ huy. Mọi canh bạc sáng sủa nhất sẽ được ông Wenger đặt vào khu trung tuyến, nơi họ sẽ đối diện với các tiền vệ xuất sắc nhất bóng đá Anh hiện tại. Nếu không tạo ra được sự cân bằng tại khu giữa sân, việc Arsenal triển khai lối chơi một cách bình thường còn khó, nói gì đến chuyện đánh bại Chelsea.
Chính vì thế, đây là thời điểm mà các giá trị tinh thần của Arsenal cần được phát huy cao độ, tương tự như trận thắng Man.City tại bán kết. Họ phải vào sân như những chiến binh và lao động cật lực như những công nhân. Xét trên từng vị trí, hàng tiền vệ của Arsenal thua kém Chelsea thấy rõ nhưng trong một trận đấu kiểu như thế này, yếu tố tinh thần luôn có vai trò lớn.
Chỉ có điều, Chelsea đang sở hữu gần như mọi ưu thế cần thiết cho một trận chung kết. Họ có sự hưng phấn, có thuận lợi về thể lực, nhân sự và đang ở phong độ cao với 7 trận toàn thắng trên mọi mặt trận. Nếu Arsenal đã có 12 danh hiệu Cúp FA thì Chelsea cũng có 8 và họ toàn thắng 4 trận chung kết trong kỷ nguyên Abrahimovic. Nếu Arsenal có 5 chiến thắng liên tiếp gần đây với đội hình 3 hậu vệ thì Chelsea chính là người khởi nguồn cái công thức chiến thắng ấy. Nói cách khác, Chelsea đã làm chủ trận đấu ngay từ khi bóng chưa lăn.
Vậy đâu là cơ hội cho Arsenal? Huyền thoại Lampard của Chelsea bình luận: “Có vẻ như mọi thứ đều nằm trong tay Chelsea nhưng tôi không thể nào thiếu sự tôn trọng dành cho Arsenal. Họ có những con người khiến bạn bị đau bất kỳ lúc nào. Họ có Oezil và Sanchez, những người có thể mở khóa mọi hàng thủ tốt nhất”.
Vậy là vẫn phải đợi chờ Sanchez, Oezil như mọi lần. Điều đó không có gì sai. Thế nhưng, để bộ đôi ngôi sao ấy có thể tỏa sáng thì phải cần các tiền vệ của Arsenal chơi với 120% sức lực của mình, kiên trì từng phút có mặt trên sân. Nhưng muốn làm được những điều trên, thì trước hết Arsenal phải phòng thủ thật chắc chắn trước những Hazard, Costa…với các hậu vệ gần như chưa chơi cùng nhau trong mùa giải này.

Tin cùng chuyên mục