Án phạt và sự trêu ngươi

Cổ động viên quá khích trên sân bóng đá trước nay không hiếm ở các giải bóng đá khắp nơi, thậm chí bạo lực sân cỏ xuất hiện không ít từ khán đài.
Nhưng những hành ảnh kém văn hóa trong cổ vũ ấy luôn bị lên án bằng nhiều cách thức để làm sao ngày càng không thể là hình ảnh mà người ta hay nhắc đến khi nói về bóng đá. Các giải bóng đá nhà nghề có quy định rất chặt chẽ và kèm theo các biện pháp mạnh tay xử lý, trong đó ban tổ chức sân, CLB có cổ động viên quậy phá… đều phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình. Điều này rất cần được V-League nghiên cứu để bổ sung trong quy chế, nhất là sau khi một nhóm cổ động viên Hải Phòng tiếp tục gây khó khăn theo kiểu trêu ngươi ban tổ chức ở vòng 16 V-League cuối tuần.

Từ vụ việc đốt pháo sáng và có hành vi gây mất trật tự trên sân Mỹ Đình ở vòng đấu trước, Ban Kỷ luật VFF đã có quyết định cấm cổ động viên Hải Phòng xuất hiện trên khán đài sân khách khi có CLB Hải Phòng thi đấu. Quyết định này tuy chưa chặt chẽ lắm nhưng cũng cho thấy quyết tâm của VFF trong việc xử lý mạnh tay các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa trên sân bóng, góp phần xây dựng hình ảnh cho giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, ở vòng đấu tiếp theo vào cuối tuần rồi trên sân khách Cần Thơ, hàng trăm cổ động viên Hải Phòng đã… xuất hiện trên khán đài, mặc áo và căng cờ cổ vũ theo kiểu thách thức ban tổ chức cũng như VFF, khiến trận đấu phải hoãn đến 30 phút mới có thể diễn ra.

Làn sóng bất bình càng tăng lên khi thực tế cho thấy những cổ động viên này đã có chuẩn bị từ trước. Theo ban tổ chức sân, dù họ đã có kế hoạch kiểm soát nhưng không thể ngăn được nhóm cổ động viên vào sân bởi… không đủ cơ sở! Theo đó, các cổ động viên mặc áo đỏ nhưng không in tên, hoặc mặc áo lộn ngược, đem theo băng-rôn in hình hoa phượng mà không có tên CLB… Vậy là họ được cho vào sân bởi không có cơ sở để chứng minh họ là cổ động viên CLB Hải Phòng. Thế nhưng khi đã lên khán đài, mọi thứ liền đổi khác khi áo được lộn lại, băng-rôn được dán thêm chữ, và họ hô tên CLB vang khu vực khán đài. Tình thế buộc lãnh đạo VFF và VPF, ban tổ chức sân và HLV CLB phải tìm giải pháp thuyết phục, ngăn chặn. Cuối cùng là sự nhượng bộ lẫn nhau khi nhóm cổ động viên nộp lại băng-rôn để đổi lại việc ban tổ chức chấp nhận họ được tiếp tục ngồi trên khán đài xem trận đấu.

Sự nhượng bộ này cho thấy ban tổ chức giải quyết linh hoạt để tránh có sự xung đột có thể xảy ra, đồng thời để trận đấu được diễn ra theo lịch. Thế nhưng, nếu để tiếp tục tình trạng này thì coi như án phạt của Ban Kỷ luật VFF là vô hiệu và chắc chắn một điều là mọi thứ sau này sẽ thật khó để mọi chuyện đi vào quy củ. Có lẽ, các bộ phận có trách nhiệm phải quyết liệt hơn. Như chúng tôi đã đề cập, khâu kiểm soát của ban tổ chức sân là hết sức quan trọng. Việc nhóm cổ động viên này mang được cờ và băng-rôn vào sân là lỗi của bộ phận kiểm soát, vì họ không thể đổ cho quy định chưa rõ ràng. Ngoài ra, để bảo vệ việc thực thi quyết định kỷ luật nghiêm thì nhất thiết mời toàn bộ nhóm cổ động viên này ra khỏi khu vực không được phép, thậm chí có thể hoãn trận đấu. Nếu không cương quyết và đồng lòng thì quá trình chuyên nghiệp nền bóng đá sẽ ngày càng thụt lùi hơn.

Tin cùng chuyên mục