Ai làm và làm cho ai?

Đã rất nhiều lần, bầu Đức tuyên bố sẽ bỏ bóng đá, nhưng ở lần này, sự việc trở nên phức tạp khi những tuyến bố đó đi kèm với các công kích cá nhân đối với ông Trần Anh Tú, một trong những trụ cột của LĐBĐ Việt Nam (VFF) như bầu Đức.

Càng đến gần ngày Đại hội VFF, cuộc đua tranh càng nóng bỏng. Ảnh: MINH HOÀNG
Càng đến gần ngày Đại hội VFF, cuộc đua tranh càng nóng bỏng. Ảnh: MINH HOÀNG

Sự việc đang diễn biến rất “nóng”, chưa biết kết cục ra sao nhưng khả năng bóng đá Việt Nam sẽ không còn sự cống hiến của bầu Đức cũng như năng lực đã được kiểm chứng của ông Trần Anh Tú là khá rõ ràng.

Mọi chuyện xuất phát từ việc bầu Đức không tán thành việc ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ, lại đều ở những vị trí then chốt của bóng đá Việt Nam tại Công ty VPF và sắp đến là VFF (nếu ông Tú trúng cử). Mặc dù công kích khá mạnh cá nhân ông Tú, tuy nhiên bầu Đức, với gần 20 năm kinh nghiệm làm bóng đá của mình, lại không thể lý giải vì sao đến 100% phiếu tín nhiệm của HĐQT Công ty VPF bầu cho ông Tú làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc? Tại sao chỉ có ông Tú được những thành viên hiện nay của VFF đề cử cho chức danh Phó chủ tịch VFF khóa mới, bên cạnh một vài đề cử khác dành cho bầu Đức dù ông này đã tuyên bố rút lui khỏi VFF?

Như vậy, có thể thấy một sự thật đáng buồn, đó là bóng đá Việt Nam hiện nay có quá ít người làm việc. Dồn phiếu cho một cá nhân nào đó, có thể là vì được “vận động hành lang” nhưng cũng có thể là vì người ta chẳng còn ai khác để tin tưởng ủy nhiệm các công việc quan trọng. Đành rằng ông Tú vốn chỉ mới để lại dấu ấn của mình trong môn futsal, có thể là “người ngoại đạo” với bóng đá sân cỏ, nhưng rõ ràng năng lực cũng như khả năng đóng góp cho nền bóng đá là rất rõ ràng. Futsal vốn dĩ không được ai quan tâm mà ông Tú còn nhiệt tình như vậy thì hoàn toàn có thể tin rằng, ông Tú sẽ còn mạnh mẽ hơn ở các chức vụ có vai trò rộng lớn hơn.

Hơn nữa, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã trãi qua hơn 15 năm hoạt động, vậy mà khi tìm một nhân vật có khả năng quản lý cao cấp, lại chẳng thể có một ai dù về lý thuyết, các CLB đều là những doanh nghiệp, được điều hành bởi những nhà quản lý am hiểu bóng đá. Để dẫn đến một kết cục như vậy, phải chăng một người gắn bó lâu năm như bầu Đức cũng có phần trách nhiệm.

Ở một góc nhìn khác, chuyện ai làm, chức vụ gì… không thể quan trọng bằng việc “làm cho cái gì, cho ai?”

Điều đáng tiếc là bất kỳ ai vào làm bóng đá đỉnh cao đều luôn giải thích, họ làm vì bóng đá Việt Nam, thế nhưng khi xảy ra xung đột về lợi ích thì lại chọn giải pháp đơn giản nhất, đó là rút lui, “từ bỏ”, xem đấy là vấn đề cá nhân của mình. Trong khi đó, có nhiều người, nhiều tổ chức vẫn đang âm thầm làm việc. Ví dụ như thành công của U.23 Việt Nam vừa qua là kết quả của cả một quá trình và sự đóng góp của rất nhiều thành phần, không hề được nêu tên trong các buổi lễ mừng công tưng bừng. Họ không quan tâm đến việc người ta biết mình là ai, điều quan trọng là họ làm việc để bóng đá Việt Nam có cơ hội phát triển.

Thế nên, thay vì quan tâm đến chuyện ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch, phó chủ tịch VFF thì hãy hỏi họ sẽ làm gì cho bóng đá Việt Nam, kết quả ra sao? Quan trọng hơn, nếu họ dũng cảm nhận trách nhim thì hãy để họ làm, mọi phán xét sau đó vẫn chưa muộn. Công bằng mà nói, dù là ông Tú hay bất cứ ai ngồi vào ghế phó chủ tịch tài chính của VFF khóa tới, chắc chắn họ sẽ chịu một sự giám sát tối đa từ dư luận, người hâm mộ bởi đã qua nhiều nhiệm kỳ, những người đảm nhiệm vị trí này như ông Lê Hùng Dũng hay chính bầu Đức cũng đều không cho thấy thành quả tích cực nào về mặt tài chính.

Không ai muốn thấy một viễn cảnh bầu Đức sẽ bỏ bóng đá, hoặc chiếc ghế phó chủ tịch tài chính sắp đến bị bỏ trống chỉ vì không tìm ra người đủ năng lực đảm nhiệm ngoài ông Tú. Chính vì vậy, mỗi người mỗi việc, hãy làm cho bóng đá Việt Nam tốt hơn ngay phần việc của mình.

Tin cùng chuyên mục