Khi một bộ hồ sơ giới thiệu HLV nước ngoài cho đội tuyển được gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thì trạm dừng chân đầu tiên của nó là Ban Quan hệ Quốc tế, mà trước đây do chính Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn làm trưởng ban. Tại đây, nhân viên của Ban này đưa vào danh sách các ứng viên trước khi đệ trình lên các cấp cao hơn như Chủ tịch, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký…
|
HLV Calisto. |
Tất nhiên, thông tin từ Ban này cũng không quên rò rỉ ra bên ngoài cho báo chí theo con đường riêng. Ở thời điểm này, những quan chức cao cấp trong bộ máy VFF không hề nhớ trong tay mình còn có một Hội đồng Huấn luyện viên, hoặc nếu có sự việc chỉ được báo qua loa với ông Chủ tịch Hội đồng. Hầu như việc quyết định ai sẽ làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia chỉ là công việc riêng của hai ông Trần Duy Ly, Phó Chủ tịch Thường trực và ông Phạm Ngọc Viển, Tổng thư ký VFF.
Ngay như một ông Phó Chủ tịch khác là ông Trần Văn Mui khi cần thì nhờ đàm phán giúp với HLV ngoại, còn khi đưa ra quyết định thì chẳng hề đếm xỉa tới ý kiến của ông Mui. Đơn cử trường hợp VFF làm việc với chuyên gia Henrique Calisto thì nhờ Phó Chủ tịch Trần Văn Mui tham gia, nhưng khi thẳng thừng loại bỏ hồ sơ ông này thì chẳng nói với người thay mình đi đàm phán lấy 1 câu.
Trường hợp mời HLV Edson Tavares cũng thế. Hầu như mọi chuyện từ liên lạc, tiếp xúc, rồi đi đến ký hợp đồng đều do một tay hai ông Trần Duy Ly và Phạm Ngọc Viễn quyết định. Hội đồng HLV bị gạt sang một bên, còn ông Phó Chủ tịch Trần Văn Mui có khi nhờ đọc báo mới biết tin. Cách làm việc thiếu dân chủ ấy của một bộ phận lãnh đạo VFF có lúc còn làm bất ngờ ngay chính vị chủ tịch, vốn là một người “ngoại đạo”, ông Mai Liêm Trực.
Đó là trường hợp ông chủ tịch ngỏ lời xin lỗi người hâm mộ, còn hai ông Phó thường trực và Tổng thư ký thì nói chưa đến lúc. Hay như việc ông Mai Liêm Trực nói cần cải tổ bộ máy làm việc VFF, nhưng hai ông Duy Ly và Ngọc Viễn thì cho rằng không cần thiết. Đó là lý do Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực phát biểu: “Sau mấy tháng tiếp cận cách làm việc của liên đoàn, tôi đã nói ngay là không thể để cách làm việc này kéo dài”.
Người hâm mộ lấy làm lạ vì sao lại để tình trạng “chuyên quyền” nơi VFF suốt trong một thời gian dài như thế? Có ý kiến cho rằng, ủy viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tuy đông, nhưng đa số là những người đang bận rộn với công việc riêng, đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nên phó thác cho các thành viên chuyên trách (tức nhận lương của ngành TDTT hoặc của VFF để làm việc). Một ý kiến khác cũng rất đáng được lưu ý của ủy viên VFF Đặng Xuân Dũng, Tổng biên tập báo Công An TPHCM. Ông nói: “Khi nhìn thấy những cuộc vận động hậu trường cho các ghế trong VFF, tôi cảm thấy chán ngán”.
Ngay một lời xin lỗi (khi lỗi đã rành rành) còn bị khất lần, bị hẹn lại thì thử hỏi các quan chức VFF có còn lòng tự trọng hay không? Không chỉ dùng kế hoãn binh, VFF còn lái dư luận sang hướng “có tiêu cực trong nội bộ cầu thủ”, có một bản “danh sách đen”, rồi chuyện tìm thầy ngoại mới thay thế, v.v… Rồi đến khi V-League 2005 khai diễn, chắc chắn mọi việc sẽ “chìm xuồng”.
Đến lúc, xem lại ai hoặc những ai mới xứng đáng là người chọn HLV ngoại cho đội tuyển quốc gia.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
“Đệ nhất quyền thủ” Canelo Alvarez: Muốn hoàn tất “Trận Trilogy” với Gennady Golovkin, muốn tái chiến Dmitry Bivol để báo thù
-
Cơ thủ Hồng Ly ngoạn mục vượt qua khung cửa hẹp vào vòng trong
-
Thành tích VĐV SEA Games 31 cũng là cuộc đua của các địa phương
-
Sau SEA Games 31, Quách Thị Lan là đại diện duy nhất dự vô địch điền kinh thế giới?
-
HLV trưởng tuyển Ukraine Oleksandr Petrakov: Zbirna không đấu giao hữu vì các đội đều từ chối, chúng tôi tự chia đá nội bộ 2 trận với nhau
-
Tổ chức Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ VIII năm 2022
-
Người hùng World Cup Nguyễn Văn Hiếu cùng dàn sao phủi Việt hội ngộ tại Huế dự Huda Cup 2022
-
Đội tuyển U23 Việt Nam đến UAE
-
HLV người Brazil dẫn dắt CLB Thái Sơn Bắc
-
Haaland không lỡ ngày vui cùng đội bóng mới