
Năm 2006, vì “hạ giá” V-League từ 9 tỷ đồng xuống còn khoảng 6 tỷ mà cuộc lương duyên giữa VFF và Công ty quảng cáo Đất Việt bị cắt đứt. Từ đó đến nay, bỏ qua quá trình mất giá của đồng tiền thì phải thừa nhận con số 30 tỷ đồng mà V-League có được mỗi mùa từ Eximbank là rất lớn, gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước.

V-League 2011 được tài trợ 30 tỷ đồng/mùa bởi Eximbank. Ảnh: Hoàng Hùng
Đất Việt ký với VFF 3 năm, 2 năm đầu suôn sẻ nhưng đến khi nảy ra tiêu cực tại SEA Games 2005 thì họ buộc phải rút lui vì các nhà tài trợ không đồng ý chi 9 tỷ như 2 năm đầu tiên nữa. Đất Việt đề nghị xuống còn 6 tỷ đồng và VFF lắc đầu. Sau đó, mùa giải 2006 không có tài trợ ở giai đoạn 1 (giai đoạn 2 có Eurowindow với 4 tỷ đồng).
Ngay sau sự kiện đó, phía Công ty Đất Việt đã khốn khổ vì điều tiếng của dư luận cho rằng họ “bỏ của chạy lấy người” khi bóng đá Việt Nam xảy ra sự cố mặc dù số tiền tài trợ lúc ấy chẳng đáng bao nhiêu so với tổng doanh thu hàng năm của một trong những “đại gia” ngành quảng cáo này. Cực chẳng đã, họ phải huy động toàn bộ hệ thống quan hệ của mình, mất đúng một tuần lễ để mời từng phóng viên chủ chốt các báo đến. Đích thân Tổng giám đốc của công ty tiếp chuyện từng phóng viên một. Có người vài chục phút, có người cả ngày.
Các phóng viên được đề nghị không phải viết bài, không cần khen ngợi, không nêu tên Đất Việt bởi toàn bộ nội dung câu chuyện không hề liên quan gì đến họ. Câu chuyện nói đến sự khó nhọc trong quá trình đánh bóng thương hiệu cho V-League và sức ép của Đất Việt khi vận động tài trợ. Theo con số tiết lộ, hoa hồng mà nhà môi giới này nhận được không nhỏ, nhưng lại rót sạch vào công tác truyền thông cho V-League. Bao gồm: Phóng sự hàng tuần trên truyền hình, tổ chức trò chơi trên các sân, bồi dưỡng báo chí để nhắc tên nhà tài trợ và chăm sóc đến từng chút một hình ảnh của nhà tài trợ trên các sân bóng và tất tần tật những quảng cáo khác. Thậm chí, Đất Việt còn thuê hẳn Công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng TNS đếm từng giây xuất hiện nhà tài trợ trên truyền hình. Giám đốc Đất Việt tuyên bố họ lỗ trắng, chỉ được mỗi chút tiếng tăm.
Tất cả là từ sức ép của nhà tài trợ, đều là những thương hiệu hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ như Kinh Đô, Number One. Đất Việt đã “ghi điểm” trong mắt giới quảng cáo khi lần đầu tiên đưa các thương hiệu “made in Việt Nam” đến với V-League, nhưng cũng vì thế, họ chịu áp lực khủng khiếp từ việc bảo vệ cho các thương hiệu ấy. Bỏ ra số tiền lớn vào thời điểm ấy, cả Kinh Đô lẫn Number One đều muốn chứng minh số tiền ấy đáng giá đến từng xu. Vì điều đó mà khi VFF không chịu hạ giá V-League, Đất Việt cũng… buông tay.
o0o
Bây giờ thì có vẻ như V-League có giá với cú sốc 30 tỷ đồng/mùa từ Eximbank. Nhưng đến thời điểm này, số tiền ấy dùng để làm gì cho V-League thì không ai biết ngoài những bảng quảng cáo theo tiêu chuẩn đặt trên sân bóng. Mỗi sân 12 bảng, quy ra tiền quảng cáo thì cũng chỉ chiếm 1/6 số tiền tài trợ mà thôi.
Tất nhiên, tinh ý cũng biết vì sao Eximbank “hào phóng” đến mức ấy khi ông Phó Chủ tịch VFF cũng là Chủ tịch ngân hàng này. Sự đóng góp ấy, thật đáng ghi nhận. Tiền nhiều cho V-League, dù như thế nào, cũng là điều đáng mừng cho giá trị ngày một tăng của giải đấu số 1 Việt Nam.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã từng đề cập, hình ảnh của V-League ngày càng kém đi từ truyền thông cho đến quảng bá đại chúng. Một phần của việc khán giả đến sân ngày mỗi sa sút phải chăng vì gần như công tác tuyên truyền đều “nhường” cho báo chí. Rồi khi đến sân, khán giả chẳng có thêm được gì nếu không nói còn phải chứng kiến sự kém dần chất lượng của các trận đấu.
Đôi khi cũng thử làm phép so sánh: 9 tỷ đồng thời Đất Việt có ít hơn 30 tỷ bây giờ không?
Ngày trước, khán giả đến sân ít một chút đã khiến nhà tài trợ nhíu mày. Bây giờ, chẳng sao cả. Ngày trước, người xem còn có vài phút vui vẻ giữa trận đấu (tất nhiên, cũng là dịp quảng bá cho nhà tài trợ), còn bây giờ, chỉ đến xem rồi đi về.
Bóng đá ngày càng chuyên nghiệp, tiền ngày càng nhiều nhưng lại chẳng có gì thay đổi về hình ảnh của V-League cả. Không ai “mời” khán giả đến xem. Đến thì chẳng ai “chăm sóc”. Đã thế còn bị cầu thủ phản ứng khi mình phê phán. Đi xem bóng đá như thế, thà ở nhà còn hơn.
Hồ Việt