Ngày 27-3 là ngày để những người làm thể thao cả nước được sống trong ngày hội thể thao của mình. Bộ VH-TT-DL cùng Tổng cục TDTT sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (27-3-1946 _ 27-3-2016).
Lịch sử ngành TDTT đã ghi dấu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Cũng trong ngày này, bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lúc được đăng trên báo Cứu quốc và báo Việt Nam sức khỏe. Bài báo của Bác Hồ, sau này được viết thành “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, được xem như bản tuyên ngôn, khai sinh nền TDTT nước nhà. Cũng từ đó, phong trào TDTT, rèn luyện thể chất được phát động và thực hiện rộng rãi trong cả nước, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường sức khỏe để toàn dân tộc vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên khẳng định mình.

Các đại biểu trong buổi Hội thảo khoa học 70 năm của ngành TDTT tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Ảnh: QUANG THẮNG
Trong hành trình 70 năm qua, dù thể thao Việt Nam đã có những bước thăng trầm, nhưng có thể thấy rõ một điều rằng, nền thể thao của chúng ta đã khẳng định được thứ hạng ở Đông Nam Á, tạo được dấu ấn tại châu Á và có khả năng so tài với thế giới. Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT - ông Hà Quang Dự đã phân tích rất thẳng thắn rằng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với TDTT chưa bao giờ là cũ. Đồng thời, trong thời đại mới, thể thao Việt Nam cần phát huy tốt hơn nữa như việc vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến song hành để nâng cao hơn chuyên môn và đó là điều cả thế giới đang thực hiện. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT - ông Đoàn Thao tin rằng, khi các quốc gia phát triển trên thế giới đã học tập nghiên cứu nhiều thành quả rồi ứng dụng vào TDTT thì chúng ta vẫn cần đi tắt đón đầu, tiếp thu những thành quả ấy để sử dụng cho thể thao của mình. Điều đó được xem là cách phù hợp nâng chất cho những HLV, VĐV thi đấu đạt kết quả cao. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) - ông Nguyễn Hồng Minh bảo lưu quan điểm việc đầu tư vào nhóm môn Olympic, là sự chuyển đổi tích cực của nền thể thao chúng ta.
Trong 70 năm hình thành, phát triển và vận động không ngừng, nền TDTT của chúng ta có những kết quả đáng khích lệ kể từ khi hội nhập. Đơn cử, thuở đầu dự Olympic 1980, VĐV, HLV tham dự với ý nghĩa học hỏi, càng về sau, năng lực nâng cao dần. Thể thao Việt Nam giành HCB tại Olympic 2000, HCB tại Olympic 2008, đạt 18 suất trực tiếp tại Olympic 2012. Hiện nay, chúng ta đặt mục tiêu sẽ giành được huy chương tại Olympic 2016. Với một sự phát triển lâu dài, tính định hướng vô cùng quan trọng. Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ TDTT đến năm 2020”. Nghị quyết xác định nhiều quan điểm chính xác và việc đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự nghiệp phát triển của đất nước cũng như phải kiện toàn bộ máy ngành TDTT. Chúng ta đã có Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, qua đó hướng tới mục tiêu nâng số lượng người tập thể thao thường xuyên toàn dân đến năm 2020 đạt 33% dân số, thành tích cao phải có huy chương Olympic. Cùng với đó, tính hiệu quả của Đề án Tổng thể phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 sẽ sớm thực chất, đúng như Bác Hồ đã viết “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước...”
DIỆU PHƯƠNG