7 năm cho một tấm áo rộng

Cụm từ được nhắc nhiều nhất trên các mặt báo sau khi Nam Định trở lại với V-League sau 7 năm đó là “họ sẽ gồng mình đá V-League mùa sau”. Nghe thật bi tráng. 
Niềm vui đăng quang V-League của Nam Định sau 7 năm chờ mong.
Niềm vui đăng quang V-League của Nam Định sau 7 năm chờ mong.
Đã đi xa quá…
Có lần tiếp chuyện với ông Bảy Xuân, “ông trùm” một thời của bóng đá thành Nam, chúng tôi lần đầu tiên nghe đến khái niệm “Làm bóng đá là để phát triển thương hiệu cho địa phương”. Đại ý theo ông Xuân, có đổ tiền quảng bá tỉnh nhà nhiều bao nhiêu chưa chắc bằng thành công của đội bóng. Thời điểm đó, Nam Định suýt vô địch V-League 2004 với cái tên Sông Đà Nam Định.
Nói thêm một chút như vậy để thấy rằng việc phải rời V-League đến 7 năm, là một chuyến đi xa… quá của bóng đá Nam Định. Một nơi đã xem bóng đá là “ngọn cờ đầu”, có sân Thiên Trường chẳng kém gì Mỹ Đình, dám bỏ ra hàng ngàn tỷ để tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, mà không có đội bóng đá V-League thì khó mà chấp nhận được. Đấy là chưa kể đến cái thời “khổ nhục khủng khiếp” khi đá hạng nhì. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chỉ có Khánh Hòa là từng rơi vào hoàn cảnh tương tự (sắp đến có thể thêm Đồng Tháp) nhưng xét về nỗi khổ thì kém xa. Xin nhớ là thành Nam đã từng vô địch quốc gia khi còn mang tên Công Nghiệp Hà Nam Ninh. Họ là đội bóng phía Bắc duy nhất ngoài Hà Nội từng lên ngôi số 1 quốc gia.

Có về kịp không?
Nam Định đã thăng hạng, nhưng ai cũng biết, đó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa có gì bảo đảm họ sẽ hít thở bầu không khí V-League một cách đàng hoàng. Ai cũng biết, giải hạng nhất năm nay chỉ có 7 đội và chẳng đội nào… thèm lên V-League cả, ngoài Nam Định. 
Nói như vậy không phải là đánh giá thấp chiếc vé thăng hạng nhưng với một chất lượng của giải hạng nhất như vậy, nếu muốn có đủ lực để đá V-League thì gần như Nam Định phải làm lại mọi thứ. V-League đã có quá nhiều bài học dành cho các đội bóng đã “dùng hết sức” để thăng hạng để rồi sau đó chẳng còn cái gì cả. Hơn nữa, thêm Nam Định góp mặt, trong vòng bán kính khoảng 150km xung quanh Hà Nội, có đến 5 đội bóng đá V-League mùa sau, lấy đâu ra nguồn cầu thủ tại chỗ để bổ sung lực lượng. Cứ lấy các trường hợp của Ninh Bình, Thanh Hóa để đối chiếu. Trong khi đó, tiền lại là yếu tố mà Nam Định rất thiếu, khiến họ phải “đi xa” suốt 7 năm qua. Chiếc vé lên hạng với Nam Định lúc này, có thể xem là một tấm áo quá rộng. 
Nhưng rất may là bóng đá thành Nam vẫn còn đó niềm đam mê và cả những con người như anh em nhà Nguyễn Văn, hay như tinh thần “làm thương hiệu địa phương” của cựu giám đốc Bảy Xuân trước đây. Hình ảnh tại sân Thiên Trường trong ngày thăng hạng khiến người ta nhớ đến chảo lửa ngày nào những năm 2003-2004. Hơn 10 năm đã trôi qua, giữ ngọn lửa ấy cháy được trên những khán đài cũ kỹ, bong tróc xi – măng cũng là một cách đáng tự hào để bóng đá Nam Định có thể tin vào tương lai.

Tin cùng chuyên mục