1 nách 2 con

Mỗi nền bóng đá có đặc thù riêng, việc ông Hữu Thắng phải ôm đồm như vậy, cứ cho là một kiểu “đặc thù Việt Nam”. 
HLV Hữu Thắng vẫn đang cố xoay trở trước nhiệm vụ ôm đồm. Ảnh: Minh Hoàng
HLV Hữu Thắng vẫn đang cố xoay trở trước nhiệm vụ ôm đồm. Ảnh: Minh Hoàng
1. Từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Hữu Thắng xoay tua liên tục. Lúc đội tuyển quốc gia, lúc thì U23, lúc U22. Có lẽ chưa HLV đội tuyển nào phải làm nhiều việc như ông Thắng, chưa tính đến chuyện ông từng đi hỗ trợ cho đồng nghiệp Hoàng Anh Tuấn của U20.
Mỗi nền bóng đá có đặc thù riêng, việc ông Hữu Thắng phải ôm đồm như vậy, cứ cho là một kiểu “đặc thù Việt Nam”. Thực tế đã chứng minh, từ năm 2000 đến nay, các HLV của đội tuyển luôn làm việc theo kiểu “2 trong 1”. Các HLV nước ngoài còn chấp nhận như thế, huống hồ gì ông Thắng.
Nhưng thực tế cũng cho thấy, việc “1 nách 2 con” không phải là lựa chọn văn minh của bất kỳ nền bóng đá phát triển nào. Nó gây hại hơn là có lợi. Một đội tuyển U luôn có những độ “vênh” về kinh nghiệm, đẳng cấp so với lứa tuổi 27-29 nên cần có những HLV riêng cho từng lứa tuổi. Cụ thể với bóng đá Việt Nam Ngoại trừ trường hợp của Calisto các năm 2008 (vô địch AFF Cup) và 2009 (HCB SEA Games) thì những Alfred Riedl, Miura, Kalko Goetz… đều không thành công khi cùng lúc điều hành 2 tuyển.
2. Có một thực tế là trước đây, VFF buộc phải dùng “2 trong 1” do điều kiện thi đấu quốc tế không cho phép các tuyến đội tuyển thi đấu liên tục. Cứ 1 năm dành cho đội tuyển thì năm còn lại chỉ có U23 thi đấu. Thế nhưng hiện nay, nhất là ở lứa U23 trở xuống, gần như năm nào cũng có giải  để đá (U23 châu Á, Olympic, SEA Games). Với đội tuyển quốc gia thì mật độ ít hơn, ngoài AFF Cup thì 3 năm 1 lần mới đá vòng loại World Cup, Asian Cup, nhưng bù lại sẽ có các trận giao hữu quốc tế…Ví dụ như năm nay chẳng hạn, HLV Hữu Thắng phải cầm quân đá ít nhất 15 trận chính thức (vòng loại U23, SEA Games, vòng loại Asian Cup), chưa kể khoảng 10 trận giao hữu. Như vậy là quá nhiều với một HLV trưởng đội tuyển quốc gia vốn đã mất nhiều thời gian đi chọn cầu thủ.
3. Xét về lý thuyết lẫn thực tế, có lẽ đã đến lúc cần kết thúc hình thức “1 nách, nhiều con” như hiện nay. Hoặc ít ra, cũng lên phương án một ban huấn luyện chung mà HLV trưởng và trợ lý số 1 có cùng trình độ, đẳng cấp. Theo đó, HLV trưởng vẫn có trách nhiệm cao nhất nhưng công việc tại đội U sẽ trao bớt lại cho trợ lý của mình. Cơ chế này sẽ được vận hành tốt nếu trợ lý số 1 đó là do chính HLV trưởng đề cử thay vì VFF chỉ định để tránh chuyện “2 hổ 1 nhà”.
Một ví dụ đáng để tham khảo đó là ở thời kỳ Calisto. Năm 2008, đội U23 được giao cho ông Mai Đức Chung dẫn dắt vô địch Merdeka Cup, để rồi chính đội này sau đó chuyển cho ông Calisto đá SEA Games 2009. Sang năm 2010, ông Calisto cũng chia trách nhiệm các trợ lý là Lê Huỳnh Đức, Phan  Thanh Hùng… Như chúng ta đều biết, chu kỳ 2008-2010 là giai đoạn mạnh nhất của bóng đá Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục