Zinedine Zidane: Mật ngọt và đau thương của Perez

Hãy mường tượng, Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid giống như là một nhân vật trong Tam Quốc Chí, hẳn ông sẽ sắm vai Tào Tháo. Bởi Tào Tháo đa phần chỉ toàn “thà đi phụ người, chứ quyết không để người phụ mình”. Perez cũng thế, vậy mà lần này ông lại bị Zinedine Zidane phụ bạc đầy đau đớn.
Perez buồn bã nhìn Zidane ra đi.
Perez buồn bã nhìn Zidane ra đi.

Để chọn ra một chi tiết đắt giá trong buổi họp báo từ chức của Zidane, có thể là diễn biến tâm trạng Chủ tịch Perez. Từng bức ảnh ghi lại khoảnh khắc khác nhau trên gương mặt “Bố già”. Từ vuốt mũi, mím chặt môi, chống tay lên trán… cho đến sâu thẳm trong đôi mắt nỗi buồn chan chứa. Thường trực trong suốt hơn 30 phút buổi họp báo, ngoại trừ thời gian trả lời báo chí, không lúc nào Perez không lặp lại cử chỉ hành động trên. Biểu cảm gột rửa tận sâu trong Perez sự thất vọng cùng cực, đau đớn, thống khổ… của kẻ bị phụ tình.

Đích thị Perez thất tình thật, nhưng cảm giác ấy không giống như kẻ chuyên nhận trái đắng tình yêu. Đúng hơn, ở Perez trực trào cảm xúc của người cứ ngỡ chẳng bao giờ bị phụ bạc, song yêu quá hóa đau thương.

71 tuổi đời, Perez còn lạ gì cái gọi niềm đau tình yêu. Ngày người vợ quá cố qua đời vì bệnh ung thư phổi, Perez cũng chỉ mủi lòng nuốt lệ vào trong. Ông hiểu, kể từ thời khắc ấy, ông chỉ là “lão già cô đơn” độc bước trên chặng đường còn lại cuộc đời. Buồn thì buồn lắm, nhưng quanh ông vẫn còn đấy những người con, người cháu, vẫn còn đó tình yêu dành cho Real. Trên cương vị một Chủ tịch, nếu ông yếu lòng, liệu có xứng đáng làm ông trùm quyền lực của đội Hoàng gia Tây Ban Nha?

Rồi Perez cũng vượt qua được khúc cua ấy, ông lấy niềm vui điều hành Real khỏa lấp cho những ngày tháng cô đơn. Ông lấy những trận thắng của Real để bồi đắp cho thứ gia vị cuộc sống vốn lạt lẽo mà ông đang trải qua. Có lần, tờ Marca nhận định: “Bầu trời trong Perez bây giờ chỉ có mỗi Real, niềm vui của Perez bây giờ cũng chỉ có Real”. Có thể nói, Perez yêu Real nhiều hơn bất kỳ vị Chủ tịch nào yêu đội bóng của họ. Ông từng nói: “Những ai làm tổn hại đến hình ảnh Real, đều sẽ bị nghiêm trị”.

Chứng kiến tình yêu đó, người ta tự hỏi, tựa bao giờ Perez đã yêu Real đến vậy? Thực ra, đó là vào năm Perez 13 tuổi. Trong cuốn sách “Real Madrid – đội bóng của thế kỷ 21”, tác giả Carlos Pinedo thuật lại vào mùa hè tháng 4-1960, Perez theo bố mẹ và hai người anh trai đến sân Bernabeu xem trận bán kết C1 giữa Real với Barcelona. Real giai đoạn này đang nổi đình nổi đám với Alfredo di Stefano, Ferenc Puskas và Paco Gento…

Trong trận đấu ấy, Di Stefano mở tỷ số với một cú đánh đầu. Puskas nhân đôi cách biệt, trước khi giành vé vào chung kết và đánh bại Eintracht Frankfurt. Mùa giải Perez đi xem là mùa thứ năm Cup C1 ra đời, và cả năm mùa Real đều vô địch cả. Với sự thống trị đó của Los Blancos, không chỉ riêng Perez, mọi đứa bé vào thời điểm đó đều muốn khoác lên mình cái mác madridista chính hiệu.

Đi một lần rồi thích, đi nhiều lần càng thích hơn. Dường như bất kể khi nào có thể, Perez đều cùng gia đình đến sân cổ vũ cho Real. Bốn năm kể từ ngày chứng kiến Real đoạt chiếc Cúp C1 lần thứ năm, Perez để lại dấu ấn tình yêu dành cho Real bằng một vết thẹo. Trong một pha ghi bàn của đội nhà, Perez phấn khích bật dậy ăn mừng và ngã sứt môi chảy máu. Từ đó, vết thẹo trên môi theo Perez đến giờ.

Yêu Real từ thuở đôi mươi, say đắm Real qua lối chơi mãn nhãn, chú bé Perez ngày ấy tự nhủ với bản thân nếu một ngày có thể, sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ được điều hành Los Blancos. Trớ trêu thay, Perez yêu là một chuyện, còn biết điều hành hay không là chuyện khác.

Trước khi trúng cử nhiệm kỳ đầu, Perez rất lọc lõi trên con đường thương mại và chính trị. Từng bước từng bước khẳng định giá trị quyền lực. Vậy mà khi ngồi vào ghế Chủ tịch Real vào năm 2000, Perez tuyệt nhiên không biết bóng đá được vận hành ra sao. Nếu các vị Chủ tịch những đội bóng khác thuộc làu làu cách xây dựng bộ máy CLB sao cho đi lên, Perez với cái mác nhà kinh doanh lão luyện chỉ chất chứa mỗi con số không. “Perez không biết cách vận hành một đội bóng. Nhưng ông ấy không bao giờ quên cách Santiago Bernabeu đã xây dựng đội bóng huyền thoại trong thập niên 1950 ra sao. Cứ thế, Perez chỉ việc mang về những siêu sao, còn kết quả sẽ đến một cách tự nhiên”, Pinedo viết.

Hai nhiệm kỳ Perez làm Chủ tịch Real, ông khác gì chàng trai hào hao phong nhã. Đi đến đâu, chỉ cần môi mỉm cười, liếc mắt đong đưa… các “bông hoa” sẽ đều đổ gục dưới tay ông. Sức hút vị Chủ tịch Real mạnh đến nỗi, mọi ngôi sao dù kiên định đến mấy, nhưng khi ông mở lời, mười người thì về Real hết tám, hai còn lại cũng lung lay dữ dội.

Hãy nhớ lại trường hợp Perez đưa Luis Figo về từ Barcelona mà xem. Ngày đó, khi Perez đưa ra tuyên bố sẽ có được Figo, người ta nói ông bị “thần kinh”, ảo tưởng cho khả năng có được. Kể cũng phải, Figo lúc ấy đang là báu vật của Barca, khi ra mắt đội chủ sân Nou Camp, Figo nguyện một lòng trung thành cho những giá trị đội bóng. Là ngôi sao có tầm ảnh hưởng nhất nhì đội, lại chiếm trọn tình yêu từ các culé, đâu có lý do gì để Figo ra đi. Vả lại Figo đâu phải không biết Real là đại kình địch của Barca, đến Los Blancos khác chi “nối giáo cho giặc”. Rốt cuộc, Perez khiến Figo gạt qua tất cả, bỏ lại sau lưng mọi thứ để đến Real. Ngày Figo ra đi, Barca nhuốm màu không khí hận thù, các culé đốt áo Figo, cả Nou Camp chìm trong nguyền rủa mỗi khi ai đó gợi nhớ lại hình ảnh Figo.

Trận El Clasico vào ngày 23-11-2002 tại Nou Camp, được xem như trận đấu căng thẳng nhất trong lịch sử thù hận liên miên giữa hai đội. Khi thực hiện tình huống đá phạt góc, culé trên khán đài ném đủ loại vật thể xuống “kẻ phản bội” Figo. “Vật thể lạ từ trên cao ném xuống như tên bắn. Tôi nhìn sơ qua thấy nào là đồng xu, một con dao, một ly uống rượu whisky. Nhìn qua là đã đủ kinh hồn bạc vía rồi. Và rồi tôi đã nhìn thấy nó… một cái đầu heo”, Michel Salgado hồi tưởng.

Bằng thứ nghệ thuật quyễn rũ, sau Figo, Perez bổ sung vào dải ngân hà Galacticos 1.0 Ronaldo, Michael Owen, David Beckham… Ông vẽ trước mắt họ bầu trời tươi sáng, với những giá trị danh gia vọng tộc bậc Hoàng gia. Một khi đã khoác lên mình chiếc áo Real rồi, chẳng muốn khoác chiếc áo nào khác, đến với Real như đến với thiên đường. Nhưng khi họ hết giá trị rồi sao? Đó là một sự đẩy đi không thương tiếc. Figo đến với Inter Milan trong bối cảnh không kèn không trống, không một lời tiễn đưa tha thiết như cách Perez đưa anh về. Owen chỉ trụ lại một mùa trước khi đến với Newcastle, số phận Beckham cũng không khá hơn là bao.

Đối với các công thần trước và trong giai đoạn Perez làm Chủ tịch cũng vậy. Ông phũ với họ một cách tàn nhẫn. Fernando Redondo góp công lớn vào chức vô địch Champions League 1997-1998. Được xem biểu tượng của Real giai đoạn đó, với lối chơi hào hoa phong nhã, người đội trưởng Redondo luôn chiếm được tình cảm lớn của các madridista. Ai cũng yêu mến “Thiên nga trắng”, ai cũng muốn Redondo ở lại Bernabeu đến kết thúc sự nghiệp, chỉ Perez là không. Ngày đến với AC Milan, Redondo thừa nhận trong chua xót: “Mãi cho đến khi tôi ở Milan, tôi mới biết mình đã bị bán.”

Iker Casillas rời Real sau 25 năm gắn bó, cũng chỉ là một cuộc họp báo đơn sơ. Cũng chỉ là chụp bức ảnh kỷ niệm trước những danh hiệu mà “Thánh” Iker có được với Real. Không có gì gọi là sự tri ân đúng mực mà Chủ tịch Perez dành cho Casillas. Và khi nhìn vào cách Barca tri ân Xavi hay Andres Iniesta… mới thấy sự bạc bẽo Perez áp lên Casillas cùng cực đến nhường nào.

Trong một lần trang Euro Sport thực hiện biếm họa, họ vẽ cái tay một người và chú thích hai chữ “Perez”, bên cạnh là gói thuốc lá hút gần hết, và mỗi điếu thuốc ghi tên từng HLV làm việc dưới triều đại ông. Khi Perez hút xong một điếu thuốc, ông lại cắm vào gạt tàn. Ngầm hiểu các HLV khi không còn giá trị, sẵn sàng bị vứt bỏ không thương tiếc.

Ngày ấy, Vicente del Bosque vừa giúp Real vô địch Champions League mùa giải 2001-2002. Florentino Perez Sandoval nói với cha mình là Chủ tịch Perez về việc giữ Del Bosque cùng các trợ lý Toni Grande, Paco Jimenez và Javier Minano. “Cha đồng ý giữ họ lại chứ?”, Sandoval hỏi. Perez đáp: “Con trai à, chỉ cần 5 phút để trả lời, sẽ không bao giờ có vấn đề gì với Del Bosque”. Không lâu sau, Del Bosque bị sa thai.

Carlo Ancelotti cũng không khác. Sau khi hoàn thành xong cú Decima, Perez cũng sa thải Ancelotti chỉ sau một mùa trắng tay kèm câu nói: “Nếu chuyện tình cảm, tôi sẽ chọn ông. Còn đây là công việc”.

Perez là thế, phụ hết, phụ tất những người đã kề vai sát cánh cùng ông làm nên giá trị thượng tôn của Real. Ngoài ông là hình ảnh người cha – chủ mang nụ cười nhân hậu, nhưng bên trong là trái tim sắt đá.

Trái tim sắt đá ấy cứ ngỡ sẽ không bao giờ bị tổn thương, nhưng hóa ra người làm tổn thương nó lại là người mà Perez “yêu nhất”. So với Figo hay Ronaldo, Perez mua Zidane cũng đâu có khác gì. Chỉ một mẩu giấy vệ sinh truyền đi thông điệp: “Cậu muốn đến Real thi đấu chứ?” Perez đã có Zizou. Có Zidane trong đội hình, Perez tìm được thứ tinh hoa mĩ miều của bóng đá đẹp. Ngày Zidane giải nghệ dù còn 1 năm hợp đồng, trong Perez tiếc hùi hụi, nhưng vẫn chấp nhận tôn trọng quyết định.

Khi không còn chơi bóng, Perez “kéo” Zidane về giữ những chức vụ thân cận bên ông. Perez từng nói: “Real là nhà của Zidane, anh ấy có thể ở lại đấy bất cứ khi nào muốn.” Nhìn vào cách đối đãi Perez dành cho Zidane, có lúc người ta còn chạnh lòng giùm Raul – dù Zidane không trưởng thành từ lò đào tạo Real.

Lúc đảm nhận cương vị thuyền trưởng Real, Zidane phá bỏ mọi luật lệ “ngầm” từ Perez. Zidane muốn mua ai thì mua, muốn dùng người sao thì dùng, Zidane đâu có sợ uy quyền từ Perez. Cũng giống như cả thế hệ Galacticos 1.0, đâu ái dám “bật” Perez, chỉ Zidane dám làm sau khi Claude Makelele ra đi. Khác xa với trước, khi Ancelotti muốn thay người, phải nhìn lên khán đài xem sắc mặt Perez. Có lúc Gareth Bale dự bị quá nhiều, ngôi sao người xứ Wales thảo mai với Perez, thế là Perez đành gây áp lực với Ancelotti. Dưới triều đại Zidane thì làm gì có chuyện đó. Chẳng trách khi Zidane ra đi, Bale chẳng một lời tri ân.

Perez thương Zidane ở sự tài hoa, tính kiên định, cương trực và pha chút ương ngạnh – người mà Perez chẳng thể tìm được ở bất cứ ai khác dưới triều đại của ông. Khi Zidane tuyên bố từ chức sau 3 danh hiệu vô địch Champions League, người ta bảo Perez thuyết phục Zizou ở lại đến tận phút cuối. Thuyết phục không thành, Perez buồn bã nói: “Tôi thương Zidane nhiều hơn bất cứ cầu thủ hoặc HLV nào khác.”

Hỡi ơi Perez ơi, khá khen cho cuộc đời ông khi toàn đi phụ người, cuối cùng cũng có Zidane phụ ông. Khá khen cho cuộc đời ông toàn gây đau thương cho người khác, rốt cuộc Zidane cũng khiến ông nhói đau. Chỉ là cách phụ của Zidane khiến Perez đau đớn chứ không oán hận. Cách phụ của Zidane khiến madridista rơi nước mắt, nhưng không lãng quên.

Như nhà tiểu thuyết người Anh – George Eliot từng viết: “Chỉ có niềm đau ly biệt mới làm sâu đậm thêm tình yêu đôi lứa đôi”. Hôm chia tay, Zidane chỉ nói “hẹn gặp lại” thay vì “tạm biệt”. Và phải chăng trong đám tro tàn của tình yêu, vẫn còn tia lửa cho sự trùng phùng?

Tin cùng chuyên mục