Xuất ngoại

Người trong giới cầu lông thường nói vui với nhau rằng sắp hết thời như Nguyễn Tiến Minh mà vẫn được mời thi đấu cho các CLB ở nước ngoài, năm nào cũng kiếm bạc tỷ nhờ những chuyến xuất ngoại, thì các tay vợt trẻ và được cho là triển vọng nên xem lại mình.

Đùa mà nghe đắng chát vì quả thực, cầu lông Việt Nam lúc này vẫn chưa kiếm được gương mặt nào đủ năng lực thay thế đàn anh Tiến Minh. Vốn dĩ cầu lông Việt Nam đã lép vế trước các đối thủ mạnh ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Rất lâu mới xuất hiện tay vợt giỏi như Nguyễn Tiến Minh mà còn chẳng ăn thua, nhìn về phía lực lượng hậu bị cho anh, càng thấy ngán ngẩm.

Nhưng dù sao, với Tiến Minh, cầu lông Việt Nam cũng có giai đoạn phát triển ấn tượng. Tay vợt TPHCM chính là gương mặt đầu tiên xuất ngoại để thi đấu trong màu áo của các CLB hàng đầu châu Á. Đấy là điều không dễ thực hiện, nhất là đối với một quốc gia đang chập chững làm cầu lông chuyên nghiệp như chúng ta. Có thể, phải đợi thêm vài năm hoặc thậm chí lâu hơn thì “Nguyễn Tiến Minh phiên bản 2.0” mới xuất hiện, nhưng lúc này, cả làng cầu lông Việt vẫn dựa vào những bước đi của Tiến Minh và vợ của anh, tay vợt nữ số 1 Vũ Thị Trang. Nhưng làm được điều tương tự như những gì mà anh đã và đang làm, quả rất khó.

Xuất ngoại bây giờ đối với bóng chuyền không còn là chuyện hiếm. Phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa mấy năm nay thường xuyên được các CLB hàng đầu của Thái Lan mời sang thi đấu. Đi ra mới biết tài năng của Ngọc Hoa quả nhiên bị bó buộc trong “cái áo” chật chội của bóng chuyền nữ Việt Nam. Đấy là lý do, trong vai trò một ngoại binh, Ngọc Hoa đã giúp các CLB của Thái Lan giành danh hiệu vô địch quốc gia, đoạt cúp vàng châu Á và điền tên mình vào danh sách những CLB dự giải thế giới, điều tự hào chưa từng dành cho bất cứ VĐV bóng chuyền nào của Việt Nam trong lịch sử.

Giới làm nghề thì dĩ nhiên lấy làm mừng vì Ngọc Hoa đã mở đường cho một trào lưu “xuất khẩu nhân tài” xuất hiện. Trước đây cũng có trường hợp chủ công Ngô Văn Kiều sang Indonesia chơi bóng, nhưng ngắn hạn và theo diện đổi chác VĐV giữa 2 CLB. Ngọc Hoa thì khác, cô được mời chủ yếu dựa vào tài năng xuất sắc và công sức cô đóng góp cho đội bóng đầu quân. Ngọc Hoa đã có 3 mùa chơi bóng tại Thái Lan, mở đường cho các tay đập khác như Đỗ Thị Minh, Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Kim Liên và tới đây còn nhiều gương mặt khác nữa có cơ hội sang Thái Lan hoặc một quốc gia nào đó trong khu vực Đông Nam Á, châu Á để phô diễn tài năng.

Giới quản lý thể thao Việt Nam hy vọng sẽ có thêm nhiều VĐV tài năng được mời ra nước ngoài thi đấu, vì điều đó không chỉ tạo ra hiệu ứng tốt cho môn thể thao họ đang theo đuổi, mà còn được xem như động lực cho cả nền thể thao phát triển thành chuyên nghiệp thực sự trong tương lai.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục