Xã hội hóa bóng bàn

Có đến 4 CLB khoác áo doanh nghiệp dự tranh giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2016 và đều nằm trong nhóm ứng cử viên hàng đầu cho cuộc chiến tranh chấp ngôi đầu ở 7 nội dung. Giải chưa đi hết nửa chặng đường, nam Hà Nội T&T và nữ Petrosetco TPHCM đã vô địch đồng đội, tiếp tục chứng minh bài toán xã hội hóa thể thao kéo dài mấy năm nay đã cho quả ngọt.

Có đến 4 CLB khoác áo doanh nghiệp dự tranh giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2016 và đều nằm trong nhóm ứng cử viên hàng đầu cho cuộc chiến tranh chấp ngôi đầu ở 7 nội dung. Giải chưa đi hết nửa chặng đường, nam Hà Nội T&T và nữ Petrosetco TPHCM đã vô địch đồng đội, tiếp tục chứng minh bài toán xã hội hóa thể thao kéo dài mấy năm nay đã cho quả ngọt.

Xã hội hóa bóng bàn ảnh 1

Mai Hoàng Mỹ Trang - tay vợt chủ lực của đội nữ Petrosetco TPHCM, cùng đồng đội bảo vệ thành công chức vô địch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo ông Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn bóng bàn Việt Nam - đấy là những điển hình đáng học tập trong xu thế phát triển mới. Ngoài Hà Nội T&T và Petrosetco TPHCM, còn có Vicem Hoàng Thạch Hải Dương, Dầu khí Vĩnh Long cũng đang nối bước làm bóng bàn chuyên nghiệp và nhận được sự trợ giúp mạnh từ các doanh nghiệp.

Tất nhiên, bên cạnh doanh nghiệp, thể thao các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hải Dương và Vĩnh Long vẫn đang đồng hành, tạo ra một cơ chế đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp tự tin khi nhập cuộc. Đổi lại, thành công mà tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang cùng các đồng nghiệp ở đội nữ Petrosetco TPHCM hay Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Anh Tú của Hà Nội T&T mang về giúp doanh nghiệp thơm lây, nức tiếng khắp làng bóng bàn Việt Nam.

Có một sự đổi thay đang hình thành mạnh mẽ ở bóng bàn sau một giai đoạn chìm lắng và không thu hút được đầu tư ngoài xã hội. Trước đây, một vài doanh nghiệp của ngành dầu khí, ngân hàng, bưu điện cũng từng tham gia, song thường là hợp đồng ngắn hạn hoặc vì thành tích bết bát mà bỏ cuộc giữa chừng.

Giờ tình hình đã khác, nhất là khi thương hiệu của doanh nghiệp được quảng bá cùng hình ảnh chiến thắng của các tay vợt (nhóm CLB dẫn đầu giải toàn quốc đều sở hữu các tuyển thủ quốc gia nam và nữ). Cuộc đầu tư đó, nói như doanh nhân Phùng Tuấn Hà - ông bầu của đội nữ Petrosetco TPHCM - đang gặt hái thành công. Khi nhìn thấy “có lời” về thương hiệu, chẳng dại gì doanh nghiệp không vào cuộc.

Rõ ràng, các tay vợt sẽ vững tâm hơn khi hưởng mức thù lao từ 20 - 30 triệu đồng/người/tháng (từ ngành TDTT địa phương và phần còn lại từ nhà đầu tư), nghiêm túc tập luyện và thi đấu để duy trì tham vọng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu quốc gia. So với các đơn vị sống dựa hoàn toàn vào ngân sách như Quân đội, Bộ Công an, Khánh Hòa vốn có truyền thống trước đây, các đội bóng khoác áo doanh nghiệp đang trội hơn hẳn về thành tích và sự ổn định trong công tác đào tạo các tuyến VĐV từ năng khiếu đến cấp đội tuyển.

Nhưng để tìm được nhà tài trợ ưng ý và tâm huyết, các địa phương hay CLB phải vận động, tập trung được lực lượng VĐV giỏi, có khả năng tranh chấp ngôi vô địch ở giải quốc nội, đóng góp nhân lực cho các đội tuyển quốc gia dự tranh SEA Games, Asiad… Tức là bóng bàn cần xây dựng được nền tảng phát triển vững chắc, trước khi vận động các nguồn lực xã hội cùng bước vào cuộc chơi.

Bộ môn bóng bàn nói riêng và Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nói chung đang mở rộng cánh cửa đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đam mê môn chơi hấp dẫn này cùng chung tay, giúp sức tạo nên bầu không khí đầu tư sôi động, cũng là để giúp bóng bàn chuyển hướng thực sự lên chuyên nghiệp.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục