Wilder “cuồng nộ” so quyền với Fury “giận dữ”: Đại chiến ở Los Angeles

Lần đầu tiên kể từ cuộc so găng giữa Anthony Joshua với Vladimir Klitschko, làng quyền Anh hạng nặng chuyên nghiệp thế giới mới được chứng kiến một cuộc đối đầu lớn đến vậy. Khi Deontay Wilder “cuồng nộ” đối đầu với Tyson Fury “giận dữ”, Los Angeles sẽ đảo điên…

Wilder và Fury sẽ đại chiến ở Los Angeles
Wilder và Fury sẽ đại chiến ở Los Angeles

Los Angeles sẽ đảo điên trong trận đại chiến

“Battle Los Angeles” là một phim của điện ảnh Hollywood, vốn không quá thành công về mặt doanh thu (chỉ thu về hơn 211 triệu USD so với kinh phí đầu tư hơn 100 triệu USD). Nhưng “Battle Los Angeles” sắp tới giữa Wilder “cuồng nộ” và Fury “giận dữ” tại sàn đài Staples Center (Nhà thi đấu đa năng ở Trung tâm thành phố Los Angeles, có sức chứa lên đến 19 ngàn khán giả) – dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ tối ngày 1-12, theo giờ địa phương – hứa hẹn sẽ là “một cuộc dấy động quyền thủ” chấn động thế giới.

Wilder và Fury xung đột trong buổi họp báo đầu tiên hôm 3-10

Không phải tự nhiên, đây là trận đấu đầu tiên thuộc hạng cân nặng nhất của làng quyền Anh chuyên nghiệp thế giới được truyền hình trực tiếp trên đất Mỹ theo phương thức pay-per-view (PPV – khán giả phải trả tiền riêng để xem chỉ 1 trận đấu này), kể từ trận đấu hồi năm 2006 giữa Hashim Rahman (Mỹ) và Oleg Maskaev (Nga).

Đây cũng là trận đấu đầu tiên được truyền hình theo phương thức pay-per-view cả trên đất Anh lẫn đất Mỹ, kể từ trận đại chiến giữa Lewis và Tyson hồi năm 2002 (Mike “thép” bị hạ knock-out ở hiệp đấu thứ 8, và Lewis tiếp tục “sắm vai” quyền thủ hạng nặng vĩ đại nhất của “hệ phái” Anh quốc, thậm chí, cho đến tận thời điểm này, dù AJ không ngừng vươn lên).

AJ, hay Wilder “cuồng nộ”, hiện đang “xưng hùng” ở 2 lục địa đối lập. Một bên là “Vua của châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại dương”, còn một bên là “Quyền Vương” của châu Mỹ. Nhưng họ “lần lữa” không chịu đối đầu nhau. Đó là lý do Fury “giận dữ” quay trở lại sàn đài, sẵn sàng dấn thân vào một trận đấu đẫm máu và khó đoán.

Wilder và Fury xung đột trong buổi họp báo cuối cùng

Fury “giận dữ” khẳng định thương hiệu

Với trận đấu này, Fury đã có một bước tiến dài trong việc “khẳng định giá trị thương hiệu”. Thông thường, các võ sĩ Anh, dù có uy mãnh đến đâu trên đất châu Âu, vẫn chưa được khẳng định là “đẳng cấp, huyền thoại”, nếu anh không dám dấn thân đến thế giới phù hoa của quyền Anh, đó là nước Mỹ.

AJ, vì thế, vẫn chưa được công nhận là Vua, dù chiến tích đánh bại Klitschko “em” đã khiến anh vươn lên tầm một đẳng cấp khác. Anh phải thắng Wilder “cuồng nộ” để được người Mỹ công nhận. Nhưng anh chưa kịp làm điều này, thì Fury “giận dữ”, một người cũng từng đánh bại cả Klitschko “em”, chấp nhận mạo hiểm thế vai.

Wilder “cuồng nộ” so quyền với Fury “giận dữ”: Đại chiến ở Los Angeles ảnh 1 Fury muốn khẳng định thương hiệu trên đất Mỹ
Fury, kẻ mà “vô danh trên đất Mỹ” đến mức, khi nhập cảnh vào đất nước này, đã bị hải quan và an ninh sân bay chận lại, vì giới chức nhập cảnh nước Mỹ cho rằng anh là “một nhân vật khả nghi”, và trước đó đã bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh suốt 2 năm trời, cũng phải thừa nhận: “Nếu tôi giành chiến thắng, tôi sẽ để lại chiếc đai vô địch ở đây, tôi sẽ ở lại đây, không về nước Anh nữa. Tôi cũng sẽ không thượng đài ở Anh thêm nữa. Sau khi đánh bại Wilder, tôi sẽ là ngôi sao quyền Anh pay-per-view tiếp theo. Đây là vùng đất của thách thức và cơ hội”.

Fury “giận dữ” đã toàn thắng ở trong cả 27 trận thượng đài trong sự nghiệp. Bao gồm 25 trận toàn thắng trên con đường thống nhất các đai vô địch của WBA (Super) IBF, IBO, WBO và The Ring, và 2 trận thắng sau giai đoạn bị tước đai, tước giấy phép thi đấu vì sử dụng ma túy. Cái tên Tyson của anh, đã được cha của anh, ông John Fury (cũng là một quyền thủ khét tiếng thời còn thượng đài), đặt theo tên Mike Tyson vì mê mẩn võ sĩ huyền thoại này.

Wilder “cuồng nộ” so quyền với Fury “giận dữ”: Đại chiến ở Los Angeles ảnh 2 Fury đang có thành tích toàn thắng trong 27 trận đấu
Cuộc đời của Fury cũng nhuốm đầy màu sắc “truyền kỳ” như “bậc tiền bối người Mỹ”, với nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chơi chất kích thích, sống trụy lạc, uống rượu như uống nước lã (thậm chí sẵn sàng chi tiền bao rượu các CĐV bóng đá người Anh trong 1 quán bar nhân dịp xem World Cup trên đất Pháp), bị trầm cảm suýt phải tự tử…

Khi Fury quay trở lại, anh đã làm phức tạp thêm cho làng quyền hạng nặng thế giới, vốn đang định hình với “trật tự 2 cực” Wilder – AJ. Sự chen ngang của Fury, vì thế, sẽ khiến mọi thứ dù rối tung, nhưng cũng rất hấp dẫn, và phong thái “luôn thi đấu một cách giận dữ”, tấn công kịch liệt của anh, được cho là cách “dĩ cương chế cương” với lối đánh “cuồng nộ” của Wilder.

Lần đầu tiên thượng đài trên đất Mỹ (Fury chưa bao giờ đặt chân đến đất Mỹ, dù anh đã vượt qua bên kia đại dương và từng thi đấu trên đất Canada – trận thắng Neven Pajkic ngày 12-11 hồi năm 2011), nhưng Fury không hề e dè và tỏ ra lạ lẫm. Anh đe dọa đối thủ theo phong cách thường thấy: “Cách tiếp cận trận đấu của tôi là đấm vào mặt anh ta thật, thật nhiều lần, cho đến khi anh ta gục xuống. Đó là cách bạn hạ gục một đối thủ trong quyền Anh. Thật sự vô cùng đơn giản, khi bạn luôn biết phải làm như thế nào”.

Wilder “cuồng nộ” nhắm trận thắng thứ 41

Wilder “cuồng nộ” đã giành chiến thắng 39/40 trận đấu bằng knock-out, trong chuỗi hành trình “bất khả chiến bại của mình”. Được đánh giá là khá “dũng cảm” khi nhận trận “chạm trán” Fury, Wilder được kỳ vọng sẽ trở thành quyền thủ hạng nặng huyền thoại tiếp theo sau thời của Mike “thép” và Evander Holyfield, nếu đánh bại Fury ở “đại chiến Los Angeles.

Wilder “cuồng nộ” so quyền với Fury “giận dữ”: Đại chiến ở Los Angeles ảnh 3 Wilder cũng được kỳ vọng trở thành huyền thoại nếu đánh bại Fury
Người tự đánh giá, cuối cùng mình cũng sẽ giới thiệu bản thân ra với toàn thế giới (Wilder cũng như Fury, cần đánh bại một đối thủ ở lục địa phía bên kia đại dương, để khẳng định thân phận nhà vô địch), nhận định trước trận tranh đai hạng nặng của WBC (một trong số những đai vô địch hạng nặng hiếm hoi nằm ngoài vòng “kềm tỏa” của AJ): “Đây là cuộc liên hoan chào hàng của tôi. Tôi đã kéo lê cái mông của mình cho đến thời điểm cực kỳ có ý nghĩa này, và giờ thì, tôi đã ở đây”.

Trước thông tin cho rằng, Wilder chỉ chuyên “đánh bại những đối thủ yếu trong quá khứ”, võ sĩ 33 tuổi người Mỹ giải thích: “Bạn thử nhìn vào Mike Tyson mà xem. Ông ấy cũng từng đấu với rất nhiều tay đấm vô dụng. Rồi khi ông ta tiến lên và đấu với những võ sĩ đẳng cấp nhất, chuyện gì đã xảy ra? Lennox Lewis và cả Evander Holyfield cũng đều đánh bại ông ta những 2 lần. Buster Douglas cũng đánh bại ông ta nữa. Ông ta từng thắng Michael Spinks, nhưng Spinks e rằng như… rác rưởi vậy. còn Larry Holmes thì đã quá già”.

Wilder “cuồng nộ” so quyền với Fury “giận dữ”: Đại chiến ở Los Angeles ảnh 4 Wilder trong một buổi tập gần đây
Wilder chỉ theo tập quyền Anh từ năm 19 tuổi, trước đó, anh là một ngôi sao điền kinh thời Đại học, ở Tuscaloosa (Alabama). Ngay khi vừa chuyển sang quyền Anh, anh đã thắng tấm HCĐ ở Olympic Beijing 2008, khiến anh được phong tặng biệt danh: “Oanh tạc cơ bằng đồng”. Wilder nói: “Các bạn đang nhìn vào một gã trai từng chơi bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục. Tôi là một VĐV điền kinh, một người chạy đua trên đường chạy. Tôi mang tinh thần điền kinh vào quyền Anh. Tôi không quan tâm lắm đến Fury, tôi chỉ quan tâm trình diễn cho người hâm mộ. Nước Mỹ có một người đàn ông phi thường ở trong tôi. Và nước Mỹ có một người đàn ông xấu xa nhất trên hành tinh, đó là chính tôi. Đương nhiên, tôi muốn đấu với AJ, ngay sau khi đánh bại được Fury!”.

Tin cùng chuyên mục