Vũ khí Riedl

1. Chỉ trong 2 tháng, Alfred Riedl có đến 3 lần gặp lại Việt Nam. Với một người đã có đến 3 lần dẫn dắt các đội tuyển của chúng ta, con số đó là quá nhiều để có thể biết rõ lối chơi của đối phương. Nói Alfred Riedl là “vũ khí” lợi hại nhất của Indonesia là vậy.

Bóng đá Đông Nam Á, dù có biến chuyển thế nào, thì cũng chẳng thể có sự đột phá toàn diện về mặt lối chơi. Mạnh như Thái Lan, bao lâu nay cũng chưa thoát khỏi “vùng trũng” do những giới hạn về mặt con người. Thế nên, chuyện Alfred Riedl có thể “đọc vị” được sức mạnh của Việt Nam là điều không khó. Đương nhiên, việc ông tìm ra cách chế ngự sẽ thuận lợi hơn HLV Hữu Thắng, người chỉ mới cầm quân ở cấp độ đội tuyển trong vòng 1 năm nay.

                    Alfred Riedl (trái) chính là vũ khí nguy hiểm của Indonesia. Ảnh: Minh Hoàng

2. Alfred Riedl là “Vua về nhì”. Thế nhưng, chính cái biệt danh đó cũng cho thấy  đây là nhà cầm quân rất giỏi trong các trận chiến “lên đỉnh”. Các đội bóng do Riedl dẫn dắt đều luôn đạt được sử ổn định rất cao về mặt chiến thuật, chính điều đó thường gây trở ngại cho ông ở những trận cuối cùng do không tạo được sự đột biến nhưng với những trận đấu khác kiểu như những trận bán kết, đó lại là lợi thế. Với trường hợp của Indonesia hiện nay cũng vậy, sau khi đã vất vả vượt qua vòng bảng, trong tay ông Riedl đang có những “chiến binh” thực thụ, những người đang muốn cùng ông khẳng định bóng đá Indonesia vẫn còn có thể ngẩng cao đầu tại Đông Nam Á.

Ở 2 trận đấu giao hữu trước thềm AFF Cup, trong tay HLV Riedl không có những cầu thủ tốt nhất do các mâu thuẫn trong làng bóng đá nước này nhưng rõ ràng, muốn thắng Indonesia thì Việt Nam cũng phải dốc hết sức. Một trận tái đấu kiểu như thế này, thường thì ưu thế tinh thần vẫn nghiêng về đội đã từng chơi yếu thế hơn trước đó bởi họ dễ dàng sửa những cái sai của mình.

3.  Alfred Rield có nói rằng nếu thất bại ở trận bán kết, ông sẽ từ chức và cũng chấm dứt sự nghiệp huấn luyện để về Áo an nhàn tuổi già với người vợ đã theo ông hơn 20 năm lang bạc.

Cái tính cách nhẹ nhàng ấy của Riedl thì đã có từ lâu, hơn chục năm trước cũng đã nghe ông nói đến chuyện “về hưu non” nhưng rồi vẫn thấy nhà cầm quân người Áo “bon chen” với sa bàn, sân cỏ. Phải chăng, Riedl vẫn khao khát một danh hiệu, thứ mà ông vẫn chưa thể có kể từ khi sang Đông Nam Á hồi năm 1998.

Vì lẽ đó, với đội tuyển Indonesia đó là cơ hội cuối của ông và điều này hoàn toàn khả thi. Indonesia không phải là một đội bóng yếu, họ chỉ luôn kém duyên với danh hiệu như HLV của mình. Đó chính là lý do mà nếu đặt trên bàn cân về khao khát chiến thắng, Indonesia không hề thua kém Việt Nam.

VIỆT LONG

Tin cùng chuyên mục