VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 3: Tăng trách nhiệm, đừng thêm “nghị gật”

Việc VFF cử ông Trần Anh Tú sang đại diện góp vốn ở Công ty VPF, và sau đó, ông Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT của công ty này, đã phản ảnh một sự thật: VFF đang cần thêm sự đóng góp về mặt tài chính của những người nói được làm được. 
“Cơn khát” tiền của VFF
Tổng kết năm 2017, VFF thu vào gần 150 tỷ đồng - con số cao gấp đôi so với bình quân các năm ở các nhiệm kỳ 5 và 6, tuy nhiên VFF vẫn bị âm khoảng 7 tỷ đồng. Lý do là thành tích các đội tuyển càng cao thì mật độ tập huấn, thi đấu càng nhiều, đồng nghĩa với các khoản chi tăng theo cấp số nhân. Đã dự giải châu lục thì đương nhiên không thể lòng vòng tập huấn thi đấu ở các quốc gia Đông Nam Á, mà phải sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí châu Âu để được cọ xát tốt hơn.
Cụ thể như trong năm 2018, với 6 đội tuyển dự các VCK châu Á, dự toán số tiền chi lên đến 70 tỷ đồng. Đó là đã tiết giảm rất nhiều thông qua sự giúp đỡ của một số đối tác chiến lược như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong tổng nguồn thu mỗi năm của VFF, chỉ có khoảng 20-25 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp do Nhà nước cấp cho các đội tuyển quốc gia (khoảng 10 tỷ đồng) và tiền hỗ trợ cố định của FIFA, phần còn lại VFF phải “bươn chải” dựa trên các nguồn thu từ tài trợ, tiền bán vé các trận đấu, bản quyền hình ảnh của các đội tuyển và tiền từ Công ty VPF. Trong nhiệm kỳ 7 vừa qua, việc tài trợ của các đội tuyển không được thuận lợi, từ chỗ có 3 nhà tài trợ đầu nhiệm kỳ, sau 4 năm (trước thành công của U.23) chỉ còn mỗi thương hiệu Z.com là còn ở lại trên áo tập của đội tuyển.
Trong khi đó, nguồn thu từ Công ty VPF ngoài khoảng cố định 10 tỷ đồng (chưa thuế) theo thỏa thuận kể từ năm 2012, VFF hoàn toàn không nhận thêm được đồng tiền lãi nào dù đang sở hữu 34,5% cổ phần.
Tài chính luôn là một thách thức vô cùng lớn đối với VFF, bởi như đã nói, chi phí luôn có thể tăng, nhưng do đặc thù, các nguồn thu của một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì thường không thể đa dạng như một pháp nhân kinh doanh. Việc duy nhất mà VFF có thể làm, đó là tối ưu hóa các nguồn thu. VFF không thể “xin” thêm tiền từ ngân sách hay FIFA, mà chỉ có thể vận động thêm nhà tài trợ, thu thêm tiền bán vé… và đặc biệt là phải có thêm tiền từ “con bò sữa” V-League, vốn từng là nguồn chủ lực trước khi bàn giao lại cho VPF tổ chức theo khuyến cáo của AFC cho phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp.
VFF trước cơ hội và thách thức - Bài 3: Tăng trách nhiệm, đừng thêm “nghị gật” ảnh 1 Ban chấp hành VFF khóa 8 rất cần những người có tâm huyết, dốc sức cho sự phát triển bóng đá nước nhà, chứ không thể chỉ là những người nói nhiều làm ít
Yếu tố con người
Về cơ bản, các đội tuyển có thành tích cao thì chi phí càng tăng, nhưng đồng thời khả năng thu cũng có cơ hội tăng theo nhờ hiệu ứng hình ảnh sẽ giúp tăng tài trợ, tăng khán giả đến sân xem đội tuyển lẫn các giải đấu nội địa.
Chiến tích của U.23 là minh chứng. Không chỉ tác động lớn về chuyên môn, khuyến khích công tác đào tạo trẻ, mà hiệu ứng U.23 còn ảnh hưởng trực tiếp đến các dòng tiền đổ vào bóng đá Việt Nam. Tính đến nay, chỉ riêng tiền thưởng đã lên đến 50 tỷ đồng. Điều này dự báo sẽ có “cơn mưa” tiền tài trợ ập đến trong tương lai, không chỉ cho U.23 mà còn các đội tuyển khác, chưa kể nguồn tài trợ cho V-League. 
Nhưng cơ hội là một chuyện, khai thác ra sao lại là chuyện khác, nó phụ thuộc khá lớn vào năng lực làm việc của bộ máy VFF hiện nay, bắt đầu từ những vị trí chủ chốt. Bên cạnh đó, còn phải khai thác tối đa khả năng làm việc của các phòng, ban của VFF.
Ví dụ, nhiệm vụ kiếm tiền cho VFF đâu chỉ do Ban Tài chính & Vận động tài trợ thực hiện, mà còn là trách nhiệm của ông chủ tịch, phó chủ tịch hay các thành viên là doanh nhân có mối quan hệ xã hội tốt. Công ty VPF - nơi đang khai thác thương mại V-League cũng phải có trách nhiệm đóng góp, bởi các đội tuyển thi đấu tốt thì V-League cũng hưởng lợi. Bên cạnh đó, để khai thác được tiền, cũng cần phải làm tốt công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của bóng đá Việt Nam, đấy chính là vai trò của Ban truyền thông và quan hệ quốc tế do ông phó chủ tịch truyền thông đứng đầu.
Hồi nhiệm kỳ 4, khi được phân công nhiệm vụ kiếm tiền, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel đã bất ngờ khi biết VFF không hề có bộ phận làm quan hệ với các công ty, thương hiệu mà chỉ ngồi tại trụ sở để chờ đối tác đến liên hệ. Mãi đến nhiệm kỳ 5, VFF mới tổ chức được 2 khóa học về tiếp thị hình ảnh bóng đá do các chuyên gia marketing đứng lớp để làm quen với công việc “đi bán” các “sản phẩm” mà VFF sở hữu.
Tuy vậy, giai đoạn do ông Đoàn Nguyên Đức làm Phó Chủ tịch tài chính, mọi thứ vẫn không tiến triển gì như tuyên bố khi tranh cử, VFF buộc phải bán trọn gói quyền thương mại các đội tuyển quốc gia và U.23 cho Công ty quảng cáo Densu (Nhật Bản). Đây là lý do mà những nhà tài trợ đội tuyển hiện nay chỉ là các thương hiệu đến từ Nhật Bản - vốn là khách hàng của Densu, trong khi nhiều thương hiệu Việt Nam lại không có cơ hội tiếp cận vì VFF khá thụ động.
Thêm quyền hành cho những người có khả năng
Chỉ riêng việc kiếm tiền đã phải cần đến sự vào cuộc của cả bộ máy quản lý VFF, chưa nói đến hàng loạt công việc khác từ phong trào, đến futsal, bóng đá nữ, bóng đá chuyên nghiệp. Nếu việc cá cược bóng đá được hợp pháp, VFF sẽ còn nhiều việc hơn. 
Nhưng theo yêu cầu của FIFA, kể từ khóa 8 sắp đến, ban chấp hành mới của VFF sẽ giảm xuống chỉ còn 17 người. Ít người mà việc nhiều, đồng nghĩa là phải chọn cho được những người có năng lực, tầm nhìn, trình độ tương xứng để tham gia bộ máy. Đấy là vấn đề khá lớn của VFF, nơi mà đã có thành viên của họ ngao ngán thốt lên: “VFF có đoàn kết bao giờ đâu mà mất”.
Nhưng như đã đề cập ở kỳ trước, với hình thức bầu cử hiện nay, ban chấp hành VFF rất dễ bị vô hiệu, trở thành những “nghị gật”, mỗi năm họp 1 lần trong 1-2 ngày hầu như không đem lại tác dụng gì cả. Quyền lực của chủ tịch và phó chủ tịch được đại hội trao, nên BCH chỉ mang tính chất “bù nhìn”.
Ví dụ như nhiệm kỳ 7 của VFF, ban đầu quyết định chọn Nhật Bản làm mô hình để học hỏi trong việc xây dựng lối chơi cho các đội tuyển quốc gia, qua đó thuê HLV Toshiya Miura để dẫn dắt các đội tuyển. Nhưng sau vài thành tích không tốt, khi bầu Đức nằng nặc đòi sa thải HLV Miura, VFF lại quay về với HLV nội là ông Nguyễn Hữu Thắng, mặc dù trước đó đã nhìn thấy thất bại của các HLV nội ở nhiệm kỳ 6. Rồi đến khi ông Thắng thất bại ở SEA Games 28, bóng đá Việt Nam lại “gật” với việc chọn HLV Hàn Quốc là mô hình. Hoặc như trường hợp của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, bị dư luận và nhiều CLB phản đối do không cải thiện được trình độ của trọng tài tại V-League, rốt cục đến khi bỏ phiếu tín nhiệm tại BCH, vẫn được tại vị. BCH VFF hiện nay có đến 23 thành viên nhưng dường như mỗi khi các ủy viên thường vụ (5 người) đã quyết định xong cái gì, thì BCH chỉ làm phần còn lại là tán thành, thông qua chứ không tổ chức phản biện. 
Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, VFF có lúc bị gọi là “tổ hưu trí” khi có nhiều người ở tuổi hưu, không có vị trí xã hội nào, cũng cố gắng tìm ghế và suốt nhiệm kỳ không đóng góp cụ thể gì cả. VFF hiện nay có đến 11 ban chức năng trực thuộc BCH, nhưng nhiều ban suốt 4 năm không hoạt động gì. Tiêu biểu như ban Truyền thông - quan hệ quốc tế, ban Y học thể thao, ban Chiến lược, Hội đồng HLV quốc gia… Nhiều ủy viên BCH chỉ đến khi họp thường niên người ta mới biết đến sự hiện hiện. Chức năng, nhiệm vụ thì đã có quy định nhưng ở những lần bóng đá Việt Nam gặp thất bại, hiếm khi nào người ta thấy các ủy viên BCH chia sẻ trách nhiệm với chủ tịch, phó chủ tịch.
Tóm lại, trong bối cảnh mà VFF sẽ ít người, nhiều việc thì cần đặt ra tiêu chí “trách nhiệm với công việc” lên hàng đầu trong quá trình bầu cử chọn người vào BCH mới ở kỳ bầu cử sắp đến. Đừng vội lo ngại một người ôm nhiều việc dễ gây “thao túng quyền lực” mà quan trọng nhất là VFF phải bớt đi những “nghị gật” trong bộ máy, kể cả giảm bớt các bộ phận không cần thiết, sẵn sàng trao thêm quyền hành cho những người có khả năng.

Tin cùng chuyên mục