Câu chuyện chiếc vé tiếp tục gây chú ý khi đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đến 2 trận chung kết AFF Cup. Trong đó trận lượt về diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình. Thật trớ trêu khi có thời điểm vé các trận bóng đá ế chỏng chơ, bán không ai mua, nhưng có lúc như lúc này tìm được một chiếc vé vào sân khó đến mức thật nhiều tiền vẫn chưa chắc có được trên tay.
Hàng trăm người quây quanh trụ sở VFF để mua vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia
Hàng trăm người quây quanh trụ sở VFF để mua vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia

V-League là giải vô địch quốc gia được AFF lẫn AFC đánh giá là một trong những giải mạnh và có sự phát triển tốt nhất khu vực. Dù vậy, tỷ lệ khán giả đến sân của mỗi trận đấu V-League vẫn khá thấp. Và trên thực tế, ngoài một số trận có tính tranh chấp thứ hạng của các câu lạc bộ hàng đầu thì các trận khác ban tổ chức phải mở cửa mời khán giả vào xem miễn phí.

Thậm chí, HAGL là câu lạc bộ đi tiên phong về cách thức bán vé cho cổ động viên với nhiều ưu đãi lớn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Lần đầu tiên ở V-League, cổ động viên của HA.GL có thể mua vé suốt mùa bóng với vị trí ghế cố định tự chọn cùng với những ưu đãi khác. Cùng với đó, những sản phẩm kèm theo như áo đấu, khăn choàng, nón, vật phẩm lưu niệm… cũng được chăm chút hơn để phục vụ cổ động viên trung thành.

Đây là cách làm quen thuộc của bóng đá chuyên nghiệp thế giới, nhưng dù vậy nó lại không thể phát huy được ở Việt Nam, hiện nay. Có những trận sân Pleiku chật cứng nhưng cũng có trận khán giả thưa thớt. Chỉ có thể nói một điều, đội ngũ cổ động viên trung thành, có thể chi tiêu để góp phần nuôi câu lạc bộ nói riêng cũng như bóng đá chuyên nghiệp nói chung ở Việt Nam hiện nay chưa thể hình thành. Đó cũng là nguyên nhân vì sao câu chuyện chiếc vé vẫn mãi là đề tài nóng.

Khi cơn sốt vé khủng khiếp khiến Liên đoàn Bóng đá Malaysia phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, không thấy dư luận ở Việt Nam “phàn nàn” gì. Trên thực tế, cách phân phối vé của Malaysia không khác gì của VFF, cũng chia một nửa bán online và một nửa bán trực tiếp. Số vé online hết vèo trong vài phút, trong khi lượng vé bán tại sân cũng nhanh chóng hết sạch khi dòng người còn ồ ạt chen lấn. Cũng với thực trạng như vậy, VFF đã bị chỉ trích gay gắt bởi nhiều khán giả không mua được vé trận bán kết trên sân vận động Mỹ Đình trước đó.

Có thể, một lượng vé khá lớn được VFF để lại phân phối qua các kênh nhà tài trợ, đối tác, cổ động viên đội khách là chưa hợp lý, nhưng thực tế với nhu cầu cực lớn trong khi số ghế trên sân có hạng thì dù cho phân phối vé theo công nghệ gì đi nữa cũng không thể nào đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Những người am hiểu đều biết để có được vé xem một trận đấu World Cup chẳng hạn thì khán giả phải đặt trước nhiều tháng, cũng phải là cổ động viên trung thành, theo suốt quá trình thi đấu của đội tuyển. Ở các giải bóng đá nhà nghề trên thế giới, ngồi trên sân cũng phải là cổ động viên chuyên nghiệp. Tất nhiên tình yêu bóng đá là điều cần thiết, nhưng một khi nhu cầu vượt quá khả năng đáp ứng thì khán giả và dư luận cũng phải hiểu đó là thực tế phải chấp nhận.

Một khi trên sân ở V-League và các giải đấu trong nước khác đầy ắp khán giả thì chắc chắn bóng đá Việt Nam đã có được một hệ thống phân phối vé tương đối hoàn chỉnh. Hiện tại, sự sẵn sàng chi trả để được cổ động bóng đá chưa phổ biến, sự thất thường của nhu cầu vẫn thường xuyên diễn ra thì khó đòi hỏi khả năng đáp ứng một cách hoàn chỉnh. Mong sao, từ sự thành công của đội tuyển cũng như các câu lạc bộ sẽ giúp bóng đá Việt Nam dần hướng đến chuyên nghiệp ngay cả lực lượng cổ động viên. Khi đó, guồng máy bóng đá mới hoạt động thông suốt và không còn có những sự cố kiểu sốt vé như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục