Vấn nạn bắt cóc người thân cầu thủ - Kỳ 1: Đã có khá nhiều “top 10”

Mức độ nghiêm trọng thì khỏi bàn rồi. Nhưng bây giờ, không còn ai cảm thấy ngạc nhiên trước nguồn tin bố của ngôi sao Chelsea John Obi Mikel bị bắt cóc tại Nigeria. Đấy không còn là tin “động trời” nữa. Vấn đề chỉ là: vì sao trào lưu bắt cóc thân nhân của các ngôi sao bóng đá ngày càng nở rộ ở những nước nghèo, và khi một đội bóng lớn có ngôi sao trở thành nạn của tệ nạn này, những người có liên quan gián tiếp sẽ phải đối phó ra sao?
Vấn nạn bắt cóc người thân cầu thủ - Kỳ 1: Đã có khá nhiều “top 10”

Mức độ nghiêm trọng thì khỏi bàn rồi. Nhưng bây giờ, không còn ai cảm thấy ngạc nhiên trước nguồn tin bố của ngôi sao Chelsea John Obi Mikel bị bắt cóc tại Nigeria. Đấy không còn là tin “động trời” nữa. Vấn đề chỉ là: vì sao trào lưu bắt cóc thân nhân của các ngôi sao bóng đá ngày càng nở rộ ở những nước nghèo, và khi một đội bóng lớn có ngôi sao trở thành nạn của tệ nạn này, những người có liên quan gián tiếp sẽ phải đối phó ra sao?

Xin được nói thêm: đấy là “top 10” những ngôi sao bóng đá từng có người thân bị bắt cóc, hoặc chính họ bị bắt cóc. Nhiều đến nỗi, tùy theo quan điểm riêng về sự nổi tiếng của các ngôi sao mà người ta có thể lập ra những “top 10” khác nhau. Chẳng hạn, Mikel đương nhiên là một ngôi sao của Premier League, nhưng anh không thể nổi tiếng bằng ngôi sao Brazil Robinho (mẹ anh bị bắt cóc hồi năm 2004). Và nội trong làng bóng Brazil thì Robinho cũng chưa nổi tiếng như Romario (bố anh bị bắt cóc hồi năm 1994). Mẹ của Ronaldo cũng suýt bị bắt cóc vào năm 1998 (cảnh sát tóm được hung thủ ngay khi chúng đang triển khai kế hoạch).

Mẹ Robinho, bà Marina de Souza, từng bị bắt cóc

Mẹ Robinho, bà Marina de Souza, từng bị bắt cóc

Về tài năng và mức độ thành công, có thể cựu thủ môn đội tuyển Mexico Jorge Campos không nổi tiếng bằng “những chữ R” nêu trên. Nhưng khi bố của Campos bị bắt cóc ở Mexico thì sự việc này ầm ĩ hơn hết, vì Campos - anh chàng đã tự thiết kế mẫu áo cho mình, làm khán giả World Cup ngạc nhiên - từng được xem là biểu tượng của bóng đá Mexico. Nhìn sang Kakha Kaladze, lại thấy sự việc nghiêm trọng theo một góc độ khác (rút cuộc thì cậu em ruột của Kaladze đã chết, gần như chắc chắn là do bọn tội phạm giết).

Em trai của Juan Riquelme, em trai David Suazo, em trai Wilson Palacios, anh trai Joseph Yobo, em gái Ricardo Oliveira, mẹ Grafite, mẹ Luis Fabiano… tất cả đều từng bị bắt cóc, mà trong đa số trường hợp là những vụ bắt cóc tống tiền. Cá biệt, còn có nhiều trường hợp chính cầu thủ, thậm chí cả đội bóng bị bắt cóc, không chỉ vì tiền mà còn vì những nguyên nhân khác. Từng có cả một đội bóng của Colombia mất tích, sau đó được tìm thấy xác - 10 nạn nhân - ở tận Venezuela. Vụ này nghe đâu là do một tổ chức phiến loạn của Colombia tổ chức, không chỉ để đòi tiền chuộc mà còn vì muốn lôi kéo các cầu thủ tham gia vào tổ chức phiến loạn để gây thanh thế.

Có một giai thoại, không biết là chuyện có thật hay chỉ là màn quảng cáo, được dàn dựng để khẳng định Pele - chứ không phải Diego Maradona - là vua bóng đá. Bọn tội phạm trang bị súng máy chặn xe của Pele trên một con đường vắng ở Rio de Janeiro. Khi thấy rõ mặt người lái xe, chúng lịch sự đóng cửa và nhường đường cho “vua” đi tiếp!

Bắt cóc cũng có nhiều dạng. Thời xa xưa, Eusebio được đưa từ Mozambique sang Bồ Đào Nha để ký hợp đồng thi đấu cho CLB Sporting Lisbon. Nhận được “tin tình báo”, lại có kế hoạch táo tợn, Benfica tổ chức “bắt cóc” Eusebio ngay sau khi “viên ngọc đen” đặt chân xuống phi trường Lisbon, và đoạn kết của màn bắt cóc “thơ mộng” là Eusebio rút cuộc đã đi vào huyền thoại với tư cách ngôi sao số 1 trong lịch sử Benfica. Hoặc như những vụ bắt cóc hà rầm ở Bulgaria trong khoảng chục năm gần đây, với nạn nhân chủ yếu là giới điều hành các CLB. Từng có vụ án hy hữu: vợ một chủ tịch CLB khi đem tiền chuộc chồng thì chính bà lại bị bắt cóc, ông chồng sau khi được thả tiếp tục kiếm tiền để chuộc vợ…

Thực chất, đấy là những vụ “mafia mới”, nặng tính thanh toán lẫn nhau trong giới chủ CLB. Hãy trở lại với nội dung chính của loạt bài này: tệ nạn bắt cóc người thân của các ngôi sao bóng đá để tống tiền, đang thật sự trở thành trào lưu ở các nước nghèo (hoặc khu vực nghèo), mà Brazil là nơi phổ biến nhất.

Nhìn chung, đa số là những vụ án nghiêm trọng, khiến các ngôi sao thật sự mất ăn mất ngủ. Robinho kể: “Tôi hầu như không thể ngủ được trong 41 ngày mẹ tôi bị bọn bắt cóc giam giữ. Bọn chúng gửi video ghi cảnh chúng cắt tóc và đe dọa mẹ tôi”. Palacios thú nhận anh suy sụp về mọi mặt, không thể làm bất cứ việc gì khác khi em trai chưa được trả tự do. Cuối cùng, các ngôi sao như Palacios hoặc Robinho, dù đã hợp tác với cảnh sát, đều phải chấp nhận chi tiền cho bọn bắt cóc để đổi lấy tự do của người thân. Robinho nổi tiếng hơn nhiều, nhưng chắc là vì vụ án quá “căng” nên bọn tội phạm chấp nhận chỉ lấy 50.000 bảng và thả mẹ anh (sau đó, cảnh sát bắt được 3 kẻ bị tình nghi). Palacios phải trả đến 125.000 bảng để cứu em trai. Cầu thủ Brazil Marinho trả 20.000 bảng để chuộc mẹ. Juan Riquelme mất 100.000 bảng để cứu em trai…

Hãy lưu ý những con số vừa nêu. Tình trạng bắt cóc người thân của các ngôi sao bóng đá để tống tiền ngày càng trở nên phổ biến một phần là vì các băng tội phạm tỏ ra khá chuyên nghiệp khi yêu cầu mức chuộc… hợp lý.

(còn tiếp)

TIỂU QUYÊN

Tin cùng chuyên mục