Tuyển Ý ở Tiger Cup?

Tuyển Ý ở Tiger Cup?

1. Bài này được viết vào chiều ngày thứ sáu (10-12) khi trận đấu quyết định Việt Nam - Indonesia còn 24 tiếng đồng hồ nữa mới diễn ra, nên có thể chưa đủ cứ liệu để đưa ra một cái nhìn thật chính xác và thật thời sự về diện mạo của tuyển Việt Nam. Tuy nhiên hai trận gặp Singapore và Campuchia cũng giống như hai cánh cửa sổ, qua đó chúng ta có thể nhìn thấy được sự bày biện nội thất bên trong để đánh giá được phần nào chất lượng của ngôi nhà đội tuyển.

Tuyển Ý ở Tiger Cup? ảnh 1

Cố lên Tài Em.

Rõ ràng, nhiều người thất vọng về lối chơi của tuyển Việt Nam trước Singapore. Mà lối chơi chiều tối ngày 7-12 của các chàng trai áo trắng cũng đáng thất vọng thiệt. Đã đành Singapore là một đối thủ cực kỳ khó chịu. Khó chịu từ xửa từ xưa. Khó chịu với cả các đại gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar chứ không chỉ với riêng Việt Nam.

Đó là lối chơi dựa vào ưu thế thể lực, thể hình, phòng ngự chặt và chủ yếu phản công bằng những đường chuyền dài, nói chung là lối chơi đơn giản, ít biến hóa nhưng rất khó phá vỡ. Lối chơi đó trong hầu hết các trường hợp đều đưa trận đấu đến chỗ dùng dằng và đơn điệu.

Cũng như Ireland, Na Uy hoặc Hy Lạp mới đây, lối chơi của các cầu thủ Singapore bao giờ cũng khiến đối phương khó chịu như đang mắc một miếng xương trong cuống họng, nhả ra không được mà nuốt vào cũng không xong.

Đứng trước lối chơi này, tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Alfred Riedl với các danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh... đã phải chấp nhận hòa 0-0 ở vòng đấu bảng và thua 0-1 trong trận chung kết Tiger Cup 1998 ngay tại Hà Nội.

2. Nói như vậy để thấy lần này chúng ta hòa 1-1 với Singapore, xét về tỉ số lẫn lịch sử không phải là điều gì tồi tệ lắm. Nhưng người hâm mộ hoàn toàn không hài lòng về lối chơi bế tắc của đội tuyển. Đa số các cầu thủ giống như những chiếc xe sắp hết xăng, nặng nề và kém linh hoạt.

Cầu thủ chơi ổn định nhất đội tuyển xưa nay là Tài Em hôm đó cũng đá lờ đờ giống như thể sân vận động Thống Nhất đột ngột giảm ôxy (thật đáng lo khi tới trận gặp Campuchia, anh vẫn chưa lấy lại được phong độ). Hàng tiền vệ kiến thiết bóng cực tồi, gần như vắng bóng những pha lòn vào nách đối phương. Bóng cứ tạt tà tà từ lưng chừng sân, nhưng vì tuyển Việt Nam không có cái chân nào giống chân của David Beckham nên chỉ đẻ ra những đường chuyền tuyệt vọng.

Lối đá phù hợp nhất với tố chất khéo léo của các cầu thủ Việt Nam là bật tường, là chọc khe, là tận dụng khả năng luồn lách để đột nhập vào trung lộ lại rất ít được sử dụng, mặc dù các pha đánh biên hoàn toàn bị vô hiệu hóa (ở đây cần nhắc các miếng bật tường lắt léo “một-hai” hoặc “tam giác” là miếng đánh sở trường của Thể Công, Cảng Sài Gòn, Tổng cục Đường Sắt, Công nghiệp Hà Nam Ninh thời lừng lẫy và của đương kim vô địch Hoàng Anh - Gia Lai hiện nay).

Lối chơi đan bóng ngắn bất ngờ và hiệu quả có vẻ như hoàn toàn bị “tuyệt chủng” ở đội tuyển, giống như thể đã bị đưa vào “sách đỏ”, muốn thưởng thức chỉ có cách xem đội Arsenal đá tận bên trời Âu.

3
. Trận thắng giòn giã Campuchia 9-1 hai ngày sau đó là một bước tiến của đội tuyển. Với người hâm mộ đang căng thẳng sau trận hòa hút chết trước Singapore, trận thắng này như một cái van xả. Về mặt chuyên môn, trận thắng này là một mũi tên trúng nhiều đích: tỉ số đậm, không mất nhiều sức, không chấn thương, không thẻ phạt và nhất là giải tỏa được tâm lý cho cầu thủ.

Đã xuất hiện vài tín hiệu tích cực: ít nhất là có hai đường chọc khe cho Lê Công Vinh thoát xuống, ăn bàn bằng đầu từ những quả tạt và phạt góc, hậu vệ lên tham gia tấn công và ghi bàn...

Nhưng trước đối thủ Campuchia quá yếu, trận thắng đậm này cũng chưa nói lên được gì nhiều về chất lượng chuyên môn của đội tuyển. Nếu nói một cách nghiêm khắc, trận này chúng ta có quá ít bàn thắng đến từ những pha dàn xếp mạch lạc, lối đá vẫn còn rối rắm, dân gian gọi là không “sáng banh”.

Đã thế chúng ta lại để thua một bàn ở ngay “khoảng trống chết người” trước vùng cấm địa, khu vực mà trước đó hai ngày người Sing đã trừng phạt chúng ta. Cho nên nhiều tờ báo thể thao rút tít, đại ý: Thắng thì thắng mà lo vẫn lo!

Dĩ nhiên rồi, đội tuyển đá như vậy ai mà không lo. Nhưng biết đâu người hâm mộ lo vẫn lo mà đội tuyển thắng vẫn thắng. Ôi, được thế thì quá sướng! Nhớ lại đội tuyển Ý ở Espana 82, ba trận đầu vòng bảng hòa cả ba: hòa Ba Lan, hòa Peru, hòa Cameroon (Cameroon hồi đó là đội tép riu chứ không phải như Cameroon của Roger Milla năm 1990), chỉ được có 3 điểm, bị dân Ý chửi rân trời đất. May mà nhờ nhỉnh hơn hiệu số bàn thắng bại nên lọt được vào vòng sau, cái này người ta gọi là “đi cửa hẹp”, là “đậu vớt”.

Vào vòng sau, chưa kịp hí hửng đã tái xạm mặt khi bị xếp chung bảng với hai ngọn Thái Sơn lừng lững: Brazil - đội bóng ngoài hành tinh với các “ông kẹ” Zico, Falcao, Socrates, và Argentina với “cậu bé vàng” Maradona. Ba đội chọn một, cả thế giới chắc mẩm đội Ý sẽ đội sổ. Hổng ngờ cái đội “lót đường” đó vùng lên quật đổ cả Brazil lẫn Argentina và sau đó đi thẳng vô trận chung kết hạ luôn tuyển Đức để lên ngôi vô địch thế giới.

4
. Chức vô địch Tiger Cup chắc không sánh được chức vô địch thế giới, nhưng hy vọng là thời vận của tuyển Việt Nam sánh được với thời vận của tuyển Ý. Biết đâu hai trận đầu đá lẹt đẹt nhưng càng vô sâu càng bốc. Ờ, có thể lắm. Theo “truyền thống”, tuyển Việt Nam xưa nay rất kỵ những đội thiên về phòng thủ. Hễ đụng Singapore, đôi khi đụng Lào hay Campuchia cũng thế, các cầu thủ chúng ta cứ loay hoay như gà mắc tóc, có thắng cũng mệt phờ râu trê.

Ngược lại, tuyển Việt Nam cực kỳ thích hợp với các trận đấu mở, có nhiều không gian. Lần nào gặp các đội bóng khoái tấn công như Thái Lan, Indonesia hay Myanmar, cầu thủ chúng ta cũng đá tưng bừng, đá y như cá gặp nước, dù không phải trận nào cũng thắng. Các trận gặp Santa Cruz, Porto B hay Hàn Quốc vừa rồi cũng thế, tuyển Việt Nam đá như lột xác, đá như mỗi người có tới... bốn cái chân.

Hơn nữa, khẩu súng ba nòng của hàng công bữa nay đã thông được 2 nòng: Cả Bảo Khanh lẫn Công Vinh đều đã ghi được 3 bàn qua hai trận đấu. Nòng súng dự bị Đặng Thành cũng ghi được 2 bàn. Điều đó cho phép chúng ta tin vào sự tái hiện hình ảnh của đội tuyển ở LG Cup và Agribank Cup mới đây.

Ờ, biết đâu ông Tavares lại khoái dành sự bất ngờ cho đối thủ và cho cả chúng ta. Chúng ta thường bô bô rằng chúng ta “hài lòng với tỉ số” nhưng “thất vọng với lối chơi”, nghe rất oai. Nhưng ông Tavares cũng có lý của mình nếu ông ta không muốn rơi vào hoàn cảnh “hài lòng với lối chơi nhưng lại thất vọng với tỉ số”. Thôi, chúng ta tôn trọng ông. Đội tuyển của ông đá sao cũng được, miễn là trận nào cũng thắng, kể cả trận cuối cùng. Được vậy, ông sẽ thành người hùng.

Khi bài báo này tới tay bạn đọc thì trận Việt Nam - Indonesia kết quả thế nào, các bạn đã biết rồi. Và dĩ nhiên các bạn cũng đã biết ông Tavares vẫn tiếp tục cuộc hành trình trở thành người hùng hay là... đã “rửa tay gác kiếm” ngay sau khi trọng tài thổi còi kết thúc! Lạy trời, mong rằng không phải thế!

CHU ĐÌNH NGẠN

Tin cùng chuyên mục