Từ thói quen đến đẳng cấp

Với việc đội tuyển U22 Việt Nam giành vé dự VCK U.23 châu Á, có người nói vui: Việt Nam bây giờ dự giải châu lục… như đi chợ. Phải chăng bóng đá của chúng ta đang thay đổi đẳng cấp của mình?
Giải đấu quốc nội của Việt Nam qua bao năm vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Ảnh: Dũng Phương
Giải đấu quốc nội của Việt Nam qua bao năm vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp. Ảnh: Dũng Phương
Thấy vậy mà… hổng phải vậy
Còn nhớ năm 2007, nhờ là 1 trong 4 quốc gia Đông Nam Á chủ nhà, Việt Nam mới lần đầu tiên góp mặt tại đấu trường đã có tuổi đời hơn 50 năm như Asian Cup. Ở thời điểm đó, các đội U16, U19 vẫn đang đều đều dự các VCK châu Á lứa tuổi trẻ. Thậm chí năm 2000, khi đăng cai, đội U16 còn vào đến bán kết với thế hệ vàng của Phạm Văn Quyến. 
Nói như vậy để thấy việc đá châu lục ở các sân chơi trẻ là chuyện bình thường. Tính từ năm 2000 đến nay, U16 đã dự 6 kỳ châu Á. Đội U19 dự 7 kỳ và gần nhất là đoạt vé dự luôn World Cup U20. Với giải U23, AFC mới tổ chức gần đây, chúng ta đã có mặt 2/3 giải đã và sẽ diễn ra.
Việc dự giải “như đi chợ” thật ra cũng không khó giải thích. Do các VCK trẻ có đến 16 suất tham gia trong khi việc đào tạo trẻ hiện nay không phải thành viên nào của AFC cũng có điều kiện thực hiện nên Việt Nam luôn có lợi thế nhờ hệ thống tuyến trẻ đầy đủ. Ngược lại, cũng là 16 suất nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tính cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Việt Nam hiện  đang nằm ngoài tốp 20 châu Á xét trên cả bảng xếp hạng FIFA lẫn trình độ thực thụ. Đây là lý do mà chỉ khi Asian Cup mở rộng lên 24 đội kể từ năm 2019 thì cơ hội mới đến gần với thầy trò HLV Hữu Thắng trong vòng loại đang diễn ra.
Đẳng cấp không tự đến
Một vài phân tích nói trên cho thấy việc dự giải châu lục …như đi chợ chẳng nói lên điều gì về đẳng cấp của bóng đá Việt Nam. Các đội trẻ có đều đều dự giải châu Á thì cùng thời gian, đội U23 vẫn không thắng nổi HCV SEA Games, còn đội tuyển thì chỉ mới có chức vô địch AFF Cup 2008. Bây giờ cũng vậy thôi. Có một lực lượng vừa đá U20 World Cup, đã trải qua 2 kỳ U19 châu Á liên tục thì khả năng thắng HCV SEA Games 29 vẫn chỉ mới là kỳ vọng, mối lo vẫn nguyên vẹn. Trong khi đó, đội tuyển quốc gia sau 2 trận vòng loại hiện đứng thứ 3, thua cả Campuchia nên cũng chưa thể khẳng định sẽ lấy vé dự Asian Cup 2019 hay không.
Vì sao lại như thế? Câu trả lời nằm ở nền tảng giải vô địch quốc gia, nơi chứng thực trình độ của các nền bóng đá. Lứa tuổi U thì ở đâu cũng vậy, rất khó xác định trình độ thực. Thế nhưng, khi trưởng thành, cầu thủ sẽ chịu ảnh hưởng từ giải nội địa. Giải càng chuyên nghiệp, đẳng cấp đội tuyển từ U23 trở lên cao. 
Những thất bại của các đội tuyển Việt Nam tại SEA Games hay AFF Cup thời gian gần đây chính là hệ quả của một V-League còn nhiều nghiệp dư. Năng lực cầu thủ thì không kém nhưng khi vào thi đấu, đặc biệt là ở các trận đấu có tính quyết định, chúng ta thường thua trận bởi những sai lầm mang tính nghiệp dư, tương tự như 2 bàn thua ở trận đấu với U23 Hàn Quốc vừa qua. Một V-League có quá nhiều thời gian bóng chết, tranh cãi, bạo lực và nhiều trận đấu thiếu động lực thì rất khó tạo ra những thói quen chuyên nghiệp cho cầu thủ. Họ không thể thay đổi trong một thời gian ngắn khi lên tuyển, và sai sót vì thế, tự xuất hiện.
Đó chính là sự khác biệt về đẳng cấp. 

Tin cùng chuyên mục