Từ “ông râu kẽm” đến “ngài ngủ gật”

Đó là 2 biệt hiệu được lấy ý tưởng từ hình ảnh bên ngoài của cựu HLV đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto và đương kim HLV Park Hang-seo, những người có khá nhiều điểm chung trong hành trình tìm vị thế cho bóng đá Việt Nam.
Từ “ông râu kẽm” đến “ngài ngủ gật” ảnh 1 HLV Calisto đã để lại dấu ấn năm 2008 và HLV Park Hang-seo được kỳ vọng sẽ tạo nên chiến tích mới cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: HUY LIÊM
 Từ những trùng hợp thú vị...
Calisto có nhiều năm làm việc tại Việt Nam và 2 lần làm HLV trưởng đội tuyển, nhưng lần nào cũng vậy, ông lên nắm quyền chỉ vì các đội tuyển đang chơi quá kém. Sau khi đội U.23 bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2001, VFF lần thứ nhất mời Calisto cho chiến dịch Tiger Cup 2002.
Sau khi sa thải Alfred Riedl vì không có huy chương ở SEA Games 2007, Calisto lại được trọng dụng lần thứ 2. HLV Park Hang-seo cũng đến với bóng đá Việt Nam sau kết quả kém ở SEA Games 2017 và cũng sau khi người tiền nhiệm ra đi. 
Calisto và Park Hang-seo đều không phải là cầu thủ giỏi, nhưng lại là HLV có uy tín tại nước mình. Cả hai ông đều từng trải qua công tác huấn luyện cấp CLB nhưng thành tích lại không quá nổi bật.
Thế nhưng, nếu Calisto từng là Chủ tịch Hội đồng HLV Bồ Đào Nha thì Park Hang-seo nổi tiếng với vai trò trợ lý số 1 của huyền thoại Guus Hiddink. Xét về đẳng cấp thì đây chính là những nhà cầm quân có trình độ cao nhất đến với bóng đá Việt Nam. Và việc 2 ông đến Việt Nam đều liên quan đến 2 nhân vật bóng đá nổi tiếng: bầu Thắng và bầu Đức. Mọi việc tương đối nhanh chóng và tình cờ.
... Đến quan điểm bóng đá tương đồng 
Có thể còn nhiều sự khác nhau nếu đánh giá cặn kẽ về chiến thuật thi đấu, nhưng cả Calisto lẫn Park Hang-seo có điểm tương đồng mang tính căn bản: đề cao sự đa năng và yếu tố tâm lý.
Dưới thời Calisto, trung vệ Phước Tứ từng được đẩy lên đá phòng ngự tuyến 2 và chơi cực hay; thời ông Park, tiền vệ trung tâm Đỗ Duy Mạnh lại chơi trung vệ thòng thuần thục chỉ sau một thời gian ngắn. Nếu ông Calisto từng đưa ra ánh sáng những Tài Em, Xuân Thành, Minh Châu thì Park Hang-seo vừa phát hiện cho bóng đá Việt Nam một cầu thủ đánh chặn xuất sắc: Phan Văn Đức. Cả 2 HLV đều ưa thích mẫu cầu thủ có thể chơi tốt nhiều vị trí và trong cách bố trí chiến thuật của họ, những hậu vệ đá biên luôn giữ một vai trò quan trọng về mặt lối chơi.
Không khó để thấy cả hai HLV này đều là tín đồ của chiến thuật phòng ngự - phản công với các quả phát bóng dài từ tuyến sau lên hàng công mỗi khi có bóng. Cách chơi này giúp đội tuyển Việt Nam bảo đảm được số lượng người ở hàng thủ nhưng vẫn có thể chủ động khi phản công chứ không hoàn toàn “dựng xe buýt 2 tầng”.
Đây là lý do mà sơ đồ 5-3-2 được 2 HLV chọn lựa khi đối đầu với các đội bóng mạnh hơn nhờ sự cơ động của hàng tiền vệ. Và đây cũng là cách chơi mà nhiều chuyên gia tin rằng phù hợp nhất với cầu thủ Việt Nam.
10 năm là quãng thời gian giữa 2 triều đại Calisto và Park Hang-seo. 10 năm cũng là thời gian giữa kỳ tích AFF Cup 2008 và niềm hy vọng vàng tại AFF Cup 2018 diễn ra vào cuối năm nay. Dười thời Calisto, Việt Nam đã lần đầu có chiến thắng trước Thái Lan ngay trên sân đối phương trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008 và HLV Park Hang-seo chính là người thứ 2 làm được điều đó tại giải M-150 hồi cuối năm qua. Cả 2 chiến thắng đó đều có cùng kết quả 2-1.

Tin cùng chuyên mục