Từ đặc sản thành phế phẩm

Đến nay mà nói, tất cả những biện pháp mạnh nhất, “kịch khung” có thể áp dụng đều đã được VFF thực hiện đối với nạn đốt pháo sáng trên khán đài mà chủ yếu đến từ các CĐV Hải Phòng. Phạt tiền, cấm sân, thậm chí là cấm đến sân đối phương…đều được đưa ra theo hình thức “án chồng án”, tăng dần mức phạt hòng ngăn cản pháo sáng, thế nhưng không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Pháo sáng trên khán đài sân Hàng Đẫy ở trận đấu Hà Nội - Hải Phòng tại vòng 6 cuối tuần qua có thể nói là đã vượt quá mọi giới hạn. Không chỉ đốt, các CĐV quá khích còn ném thẳng xuống sân, nhắm trực tiếp vào cầu thủ và cả các phóng viên đang tác nghiệp, tạo ra một khung cảnh cực kỳ hỗn loạn và nguy hiểm. Sự quá khích đó đã nằm ngoài mọi khuôn khổ cho phép của một trận đấu, thậm chí có thông tin cho biết, các CĐV Hải Phòng đã loan báo rộng rãi là “họ sẽ đem pháo sáng và sẽ đốt”, đó là một sự thách thức an toàn xã hội.

Chính vì điều này, không thể nhìn hiện tượng pháo sáng trong khuôn khổ của bóng đá được nữa. Bởi nếu nhìn theo cách đó, những án phạt của VFF sẽ vĩnh viễn không có tác dụng. Nói cách khác, một mình VFF không đủ khả năng chặn đứng hiện tượng pháo sáng. Thực tế thì ngay chính CĐV Hải Phòng cũng thừa nhận là họ có …thói quen đốt pháo sáng không chỉ ở các trận bóng đá. Chúng tôi đã từng chứng kiến pháo sáng được đốt ngay bên ngoài đường phố, trong một sự kiện âm nhạc ở trung tâm thành phố Hải Phòng và đám đông xem điều đó là bình thường. Như vậy, với thói quen này, những chế tài đơn thuần của bóng đá là không đủ. Bản thân CLB Hải Phòng đã phải buộc lòng từ chối công nhận các Hội CĐV vốn hoạt động khá mạnh. Đội bóng đã chịu khá nhiều thiệt hại cho những việc mà họ không thực hiện và không thể kiểm soát.

Như đã nói, nếu nhìn ở góc độ ngoài bóng đá thì có thể thấy pháo sáng được đưa vào và được đốt công khai trên khán đài chắc chắn là có phần trách nhiệm của lực lượng chức năng, vốn có thẩm quyền xử lý các vụ việc mà những thành phần khác của bóng đá không thể làm. Mật độ, số lượng pháo sáng trong trận đấu vừa qua là rất lớn, nếu có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì có thể giảm thiểu. Mặc dù phía VFF lẫn BTC giải đã cảnh báo nhưng công tác ngăn chặn ở sân Hàng Đẫy có cảm giác vẫn khá sơ sài, chỉ giải quyết sự cố sau khi pháo sáng được ném xuống sân. Thật may mắn là không có những bi kịch về con người.

Pháo sáng không còn có thể xem như một “đặc sản” của bóng đá Hải Phòng được nữa. Nó hiện đã là một phế phẩm, một thứ độc hại đang phá hỏng nỗ lực xây dựng hình ảnh của bóng đá nước nhà. Chúng ta cần khán giả đông đảo đến sân nhưng không thể chấp nhận pháo sáng, thứ bị cấm trên toàn bộ sân bóng thế giới. Chúng ta cần sự cuồng nhiệt của các CĐV vì đó là một phần “cá tính” của CLB, nhưng những người sử dụng hay giúp sức cho việc đốt, ném pháo sáng trên khán đài cần phải gọi đúng tên: phá hoại.

Vì thế, để loại bỏ “phế phẩm pháo sáng” ra khỏi bóng đá, thì bắt đầu từ chính các CĐV Hải Phòng chân chính phải nói không với những ai đem pháo sáng đi xem các trận đấu của đội nhà, phải bắt đầu từ công tác phòng ngừa và chế tài trực tiếp ngay trên sân. Cần phải nhìn hiện tượng đốt pháo sáng có tính hệ thống, đầy khiêu khích của CĐV Hải Phòng theo khía cạnh xã hội thì mới giúp cho các biện pháp của những nhà quản lý bóng đá trở nên có tác dụng.

Tin cùng chuyên mục