Từ câu chuyện pháo sáng trên sân

Ban Kỷ luật VFF vừa phải ra một quyết định chẳng đặng đừng là cấm cổ động viên Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng đến sân khách tất cả các trận đấu của CLB này cho đến hết mùa V-league 2017.
Pháo sáng bị ném xuống sân
Pháo sáng bị ném xuống sân
Lý do là cổ động viên CLB Hải Phòng có nhiều hành vi, lời lẽ không hay với đội bạn; đốt, ném pháo sáng trên khán đài và xuống sân trong trận Hà Nội - Hải Phòng ở sân Mỹ Đình vừa qua. Đây là quyết định khá cương quyết của Ban Kỷ luật VFF, nhưng từ đó cũng cho thấy nhiều chuyện phải chấn chỉnh trong công tác tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp.

Đây không phải lần đầu cổ động viên Hải Phòng có liên quan đến những vụ việc không hay trên khán đài; họ cũng đã từng bị phạt, bị cấm đến sân nhưng rồi mọi chuyện vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên cần phải nói rõ, hành vi không đẹp trên sân chỉ xuất phát từ một ít cổ động viên chứ không phải đa số hội cổ động viên Hải Phòng. Thậm chí, những người trong hội cũng phải than thở vì một số cá nhân quá khích đã làm xấu đi hình ảnh cổ vũ ngày càng chuyên nghiệp của V-league. Dù vậy, điều lệ đã quy định thì ai gây ra các hành vi trên đều phải chịu trách nhiệm, trong đó có cả CLB mà cổ động viên của họ gây ra.

Vấn đề là vì sao khó dẹp được chuyện pháo sáng hay những lời lẽ thô tục “dành” cho nhau trên khán đài? Nhiều CLB cho biết họ đã tạo mọi điều kiện, khuyên nhủ, hỗ trợ… để cổ động viên cổ động một cách văn minh, nhưng nhiều khi cũng đành bất lực với một vài “con sâu”. Tâm lý đám đông một khi có cơ hội sẽ lan rất nhanh và khó lường hậu quả, nên việc ngăn chặn ngay từ đầu là biện pháp hiệu quả nhất với các hành vi không đẹp trên khán đài. Nhưng các CLB, các hội cổ động viên chỉ ngăn được một phần, phần còn lại cần có sự mạnh mẽ hơn từ VFF và các ban tổ chức sân địa phương.

Điều dễ thấy nhất và là nguy cơ dẫn đến mất an toàn nhất là khâu kiểm soát cổ động viên vào sân. Quy định đã có, nhưng nhiều sân bóng hiện vẫn kiểm soát khán giả rất qua loa. Chính vì vậy, nhiều vật dụng tưởng chừng vô hại nhưng đã lọt vào sân và dễ dàng trở thành dụng cụ cổ động nguy hiểm. Sở dĩ pháo sáng lọt được vào sân cũng do khâu kiểm soát hời hợt. Có người còn đề nghị khi đã phạt thì cần quy định phạt luôn bộ phận kiểm soát, bởi đây chính là khâu quan trọng và quyết định nhất trong vấn đề an ninh, an toàn cho trận đấu. Không cho đem pháo vào thì lấy pháo đâu ra để ném, đó là câu hỏi mà VFF cần phải trả lời mới có thể giải quyết được cái gốc vấn đề.

Ai đến sân Mỹ Đình vài lần, nhất là các trận đấu của tuyển quốc gia hay các CLB danh tiếng nước ngoài thi đấu, sẽ phát hoảng bởi sự lộn xộn trên khán đài. Lực lượng kiểm soát ở đây được huy động rất đông, vòng trong vòng ngoài nhiều lớp, nhưng dù cho khán giả có vé cầm trên tay mà vô chậm hơn một chút thì sẽ thấy ghế mình đã có người khác ngồi. Mà một khi cái người khác đó ngồi thì đừng mong mời được họ rời ghế dù có chìa vé trên tay ra hay nhờ lực lượng bảo vệ can thiệp. Có lần, nguyên khu vực dành cho khách mời, có giấy mời riêng của một trận giao hữu quốc tế đã bị khán giả tràn vào ngồi chật hết. Người của ban tổ chức phụ trách khu vực khách mời đó chỉ còn biết ngồi khóc khi khách mời đến mà không có chỗ, còn chỗ thì đang “được” những khán giả khác nghiễm nhiên an tọa như không có gì xảy ra!

Từ chuyện pháo sáng của cổ động viên Hải Phòng, có lẽ vấn đề kiểm soát an ninh trật tự ở các sân bóng phải được quan tâm đúng mức hơn. Nếu không, pháo vẫn được mang vào sân và khi đó phạt cứ phạt, pháo vẫn cứ được đốt.

Tin cùng chuyên mục