Trọng tài từng làm cai ngục

Anthony Taylor, 38 tuổi, là người được Liên đoàn Bóng đá Anh chỉ định làm trọng tài chính của trận chung kết Cúp FA giữa Arsenal và Chelsea. 
Anthony Taylor là trọng tài uy tín ở Anh
Anthony Taylor là trọng tài uy tín ở Anh
Đây là lần thứ hai trong sự nghiệp Taylor được lựa chọn làm nhiệm vụ ở một trận chung kết Cúp FA, sau khi ông từng là trọng tài thứ tư ở chung kết năm 2013. “Đây là một giấc mơ dài của tôi trong sự nghiệp trọng tài 20 năm có lẻ của tôi. Với tôi, được cầm còi ở chung kết Cúp FA là đỉnh cao của sự nghiệp tại đấu trường nội địa. Hầu hết những ai yêu thích bóng đá đều ước mơ rằng bằng cách nào đó được tham gia vào một trận chung kết Cúp FA. Không chỉ các cầu thủ, mọi trọng tài đều mơ góp mặt ở một trận chung kết Cúp FA”, Taylor nói thêm.

Phải nói rằng Taylor là một trong những trọng tài uy tín bậc nhất nước Anh, nhưng ít ai biết được rằng ngoài công việc cầm cân nẩy mực trên sân cỏ, ông còn làm nhiệm vụ cai ngục tại một nhà tù ở nước Anh.

Hồi đầu tháng trước, vị trọng tài người Manchester này đã gây tranh cãi khi cho CLB Burnley được hưởng một quả phạt đền ở trận gặp Swansea, cho dù chính tiền đạo Sam Vokes của Burnley đã dùng tay chơi bóng trong khu cấm địa đối phương. Sau trận đấu, Taylor đã bị báo chí chỉ trích rất nhiều về quyết định này. Tuy nhiên, những thử thách trong trại giam đã khiến ông giữ được sự bình tĩnh cần thiết để tiếp tục công việc của mình. 

“Làm việc trong nhà tù có nghĩa là tôi phải giải quyết những xung đột xảy ra hàng ngày. Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được điều đó. Nhiệm vụ của tôi thiên về giáo dục những nhân viên khác cách để hạn chế nảy sinh bạo lực cá nhân và có tổ chức. Đó là việc không hề dễ dàng”, Taylor mở đầu bài phỏng vấn trên tờ The Sun. “Tôi cũng từng phải làm việc với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trầm trọng, có nhiều vụ tự tử xảy ra trong trại giam hay những vụ việc nghiêm trọng khác. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn và đến một lúc nào đó, bạn nhận ra được vấn đề. Có những kỹ năng trong nhà tù sẽ giúp ích cho các trọng tài dù ở đó không có thẻ vàng và thẻ đỏ. Điểm giống nhau là chúng ta cần ngăn chặn những tình huống xấu một cách triệt để. Hãy chủ động nếu thấy 1 điểm nóng tiềm tàng giữa 2 người, bạn phải ngăn chặn vấn đề trước khi nó xảy ra”.

Taylor là người đồng bảo trợ cho “Prison Me! No way!”- một tổ chức từ thiện nhằm giáo dục những thanh thiếu niên về nguyên nhân và hậu quả của việc phạm tội. Sau nhiều năm làm việc, ông đúc kết rằng: “Sức mạnh của thể thao ảnh hưởng rất lớn đến hành vi. Bạn có thể sử dụng bóng đá như một phương tiện giao tiếp với trẻ em nhằm giúp các em có được nghị lực và sức mạnh để vượt qua những khó khăn”.
 
Chia sẻ về đời sống cá nhân, Taylor thừa nhận trọng tài cũng có cuộc sống như bao người bình thường khác. “Không giống như mọi người nghĩ, trọng tài cũng là người bình thường mà thôi. Chúng tôi cũng có gia đình, bạn bè và những mối quan hệ xã hội khá đơn giản. Nhưng phải thừa nhận rằng, có những lúc công việc trở nên quá tải với tôi. Tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến 1 giờ chiều, lái xe từ Cheshire đến London, sau đó lái xe trở về để tiếp tục làm việc đến 6 giờ sáng hôm sau. Có những ngày tôi chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ mà thôi”, Taylor cho biết. 

Tin cùng chuyên mục