Trông người mà ngẫm

Nếu người láng giềng Thái Lan đang sở hữu bộ ba cầu thủ tung hoành ở J-League 1 thì bóng đá Việt Nam cũng từng có những tài năng xuất ngoại nhưng lại không gặt hái thành công.

Tay săn bàn Chanathip
Tay săn bàn Chanathip

Cụ thể là Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan chơi xuất sắc trong màu áo Sanfrecce Hiroshima và Vissel Kobe. Trước đó, cần nói đến sự nổi bật của Chanathip Songkrasin (biệt danh Messi Thái) khi thi đấu cho Consadole Sapporo.

Mùa này, J-League 1 đã trôi qua gần nửa đường, với 15 vòng đã đấu. Đáng nói là dấu ấn mà nhóm cầu thủ người Thái để lại rất ấn tượng. Chanathip hiện là trụ cột của C.Sapporo, đội bóng mà Công Vinh từng khoác áo nhưng đa phần ngồi dự bị. Theo thống kê, “Messi Thái” đã ghi 3 bàn và kiến tạo nhiều bàn thắng, giúp Sapporo đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng.

Người đồng đội Bunmathan cũng tỏ ra không lép vế khi cùng Vissel Kobe giữ vị trí thứ 6. Một chi tiết thú vị khác là hậu vệ cánh số 1 Thái Lan chuẩn bị có cơ hội sát cánh cùng huyền thoại Andres Iniesta (Tây Ban Nha) tại đội bóng phố cảng này. Đến lúc đó, nhiều khả năng Vissel Kobe còn vươn lên mãnh mẽ nữa ở J-League 1.

Lần lượt Công Phượng...
Riêng trường hợp Dangda, anh còn gây sốt nhờ cùng Sanfrecce Hiroshima dẫn đầu bảng xếp hạng. Nhiều người trước đó cứ tưởng chân sút sinh năm 1988 sẽ mang kiếp dự bị ở đội bóng hàng đầu nước Nhật, nhưng thực tế thì Dangda đã ghi được 3 bàn thắng và góp công vào thành tích chung toàn đội.

Thành công của bộ ba cầu thủ Thái tại J-League 1 khiến người hâm mộ Việt Nam không khỏi chạnh lòng. Sự thật là trước khi những cầu thủ này sang Nhật Bản thì ta đã có 3 tài năng trẻ xuất ngoại, gồm Xuân Trường (thi đấu cho Incheon United và Gangwon FC), Tuấn Anh (Yokohama FC) và Công Phượng (Mito Hollyhock). Tiếc là quãng thời gian ở nước ngoài của cả ba có thể coi là thất bại.

Theo lý giải của tiền đạo Công Vinh - người từng chơi bóng tại Leixoes (Bồ Đào Nha) và C.Sapporo (Nhật Bản) thì nguyên nhân là do “nỗi sợ hãi thất bại”. Thật ra nó chỉ đúng phần nào, còn cốt lõi là sự thua sút của cả nền bóng đá. Sau Công Phượng và Tuấn Anh thất bại trong chuyến “du học” tại Nhật Bản, đến lượt Xuân Trường cũng chia tay giải đấu số 1 Hàn Quốc để về đá V-League 2018. Nhóm cầu thủ tài năng đã không thể trụ lại được ở môi trường bóng đá phát triển, cho thấy trình độ của bóng đá Việt Nam so với châu lục vẫn còn khoảng cách lớn.

Trông người mà ngẫm ảnh 2 ... Rồi Xuân Trường phải trở về V-League. Ảnh: MINH HOÀNG
Thất bại của Xuân Trường phải nói là rất đáng tiếc, bởi so với hai người kia thì tiền vệ người Tuyên Quang có nhiều yếu tố và lợi thế để phát triển. Xuân Trường thậm chí đã học tiếng Hàn, thi bằng lái xe Hàn Quốc, và thi đấu ở K-League. Rốt cuộc thì hợp đồng mà hai CLB Incheon United và Gangwon FC ký với anh vẫn chỉ mang tính thương mại.

Những thất bại này đã chỉ ra bước lùi của V-League những năm trước khi chất lượng chuyên môn giải đấu bị kéo xuống, thành tích các đội tuyển ở khu vực thụt lùi. Với nền bóng đá như vậy, cầu thủ Việt không có nhiều cơ hội khi ra nước ngoài thi đấu cũng chẳng hề lạ.

Tin cùng chuyên mục