Triết lý chiến thắng

Trong buổi họp báo hôm qua trước ngày lên đường sang Hàn Quốc tập huấn, một phóng viên nước ngoài đã hỏi HLV Park Hang-seo rằng: Triết lý bóng đá của ông là gì?

Tất cả đều hồi hộp xem ông thầy người Hàn Quốc chia sẻ ra sao. Bởi ai cũng thấy từ khi ông dẫn dắt đội tuyển, thành tích phát triển vượt bậc, dù cũng chỉ sử dụng những gương mặt cũ từ thời ông Miura hay Hữu Thắng.

Sau khi nghe trợ lý phiên dịch lại bằng tiếng Hàn, HLV Park Hang-seo chỉ nói đơn giản: Triết lý của tôi là chiến thắng!

Câu trả lời này sẽ khiến nhiều người nhớ đến một triết lý tương tự, đến từ người cũng tạo ra nhiều thành tích vượt trội cho bóng đá Việt Nam, là HLV Calisto.

Khi đó, ông Calisto cứ thắc mắc tại sao các phóng viên tại Việt Nam luôn hỏi “ông sẽ thi đấu như thế nào”. Bởi với ông, ở mọi trận đấu, điều quan trọng là tìm cách để thắng chứ không phải đá theo chiến thuật nào.

Hai chuyên gia trên đều cùng quan điểm để đem đến thành công, phải chăng những lúc mà bóng đá Việt Nam thất bại ấy là vì chúng ta đã quên mất triết lý ấy?!

Lấy ví dụ như V-League, giải đấu mang tính nền tảng của cả nền bóng đá, thường chỉ sôi động, hấp dẫn ở các trận đấu tranh chấp chức vô địch hoặc giành quyền trụ hạng.

Thật ra thì mọi giải đấu trên thế giới cũng đều như vậy, sự khác nhau nằm ở chỗ tại các nền bóng đá tiên tiến, dù là không còn mục tiêu thì các đội bóng vẫn sẽ thi đấu với mục đích chiến thắng đối thủ.

Chức vô địch thì không dành cho tất cả, nhưng bất kỳ đội bóng nào cũng có thể khao khát chiến thắng. Chúng ta vẫn thích xem giải ngoại hạng Anh, bởi tính chất cống hiến của đa số trận đấu. Các đội bóng yếu vẫn sẵn sàng trở thành “kẻ phá bĩnh” dù họ không còn mục tiêu về thành tích.

Tại V-League 2018 vừa kết thúc, Hà Nội FC phá hàng loạt kỷ lục, trong đó có việc họ thắng đến 20 trận, chiếm tỷ lệ đến 77. Một con số đáng kinh ngạc trong bóng đá hiện đại.

Không phủ nhận sức mạnh của Hà Nội FC nhưng thực tế thì mùa này họ có độ tuổi trung bình còn thấp hơn mùa trước, lực lượng cũng không tăng cường nhiều hơn ngoài sự bổ sung của dàn cầu thủ U.23. Việc giành chiến thắng quá dễ dàng của Hà Nội FC có phần nguyên nhân đến từ các đối thủ, những đội bóng ra sân mà khao khát chiến thắng quá ít.

Có thể chứng minh chi tiết này bằng kết quả của Hà Nội FC tại Cúp Quốc gia. Ở giải này, Hà Nội đá tổng cộng 6 trận nhưng chỉ thắng đúng 1 trận (trước Sài Gòn FC 5-0).

Họ vượt qua đội hạng nhất Đắk Lắk ở vòng loại sau loạt sút luân lưu, vượt qua HA.GL nhờ bàn thắng trên sân đối phương sau khi hòa 2 lượt và bị Bình Dương loại cũng sau 2 lượt trận đều hòa.

Nếu xét riêng ở Cúp Quốc gia, rõ ràng Hà Nội FC không ghê gớm như người ta tưởng nếu họ đối đầu với các đội bóng ra sân với quyết tâm chiến thắng ngang bằng với họ, thông qua thể thức knock-out của Cúp Quốc gia.

So sánh 2 giải đấu, sẽ hiểu vì sao chất lượng của V-League không được nâng lên trong nhiều năm qua bất kể khả năng đào tạo cầu thủ của các CLB ngày một tốt hơn.

Quá nhiều đội bóng thi đấu cả mùa nhưng chỉ “chịu đá” chưa đến chục trận nhằm phục vụ mục tiêu trụ hạng. Đã thế, như HA.GL, còn có quan điểm không coi trọng việc giành chiến thắng.

Từ lúc bầu Đức lỡ tuyên bố “đá đẹp dù thua cũng được” thì 4 mùa giải vừa qua, thành tích của HA.GL chỉ giậm chân tại chỗ. Thậm chí ở mùa vừa qua, số trận thắng của họ còn kém hơn 2 mùa trước đó dù sở hữu đến 7 tuyển thủ quốc gia và U.23.

Không biết HA.GL “đá đẹp” đến mức nào nhưng số trận thắng không tăng, bàn thắng cũng không hề vượt trội trong khi số thẻ phạt lại tăng và thành tích thì không vượt qua được hạng 10 trên bảng tổng sắp.

Hệ lụy của chỉ cần “đá đẹp” là các cầu thủ HA.GL đang dần làm quen với băng ghế dự bị khi lên tuyển…

Tin cùng chuyên mục