Trăn trở với “siêu dự án”

Sự thua thiệt về hệ thống cơ sở vật chất của TPHCM được cho là lý do lớn nhất khiến VFF luôn chọn sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) để tổ chức hầu hết các trận đấu quan trọng của Đội tuyển quốc gia. Giới làm thể thao nói chung và bóng đá nói riêng ở TPHCM mỗi lần nhắc đến điều này lại cảm thấy ngậm ngùi vì “siêu dự án” Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc vẫn chưa hình thành.

Khi Khu LHTT Rạch Chiếc (ảnh nhỏ) chưa hình thành, thì sân Thống Nhất vẫn phải gánh thay trách nhiệm tổ chức các sự kiện thể thao cho TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Khi Khu LHTT Rạch Chiếc (ảnh nhỏ) chưa hình thành, thì sân Thống Nhất vẫn phải gánh thay trách nhiệm tổ chức các sự kiện thể thao cho TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hơn 25 năm trước, dự án Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc có quy mô 222 ha bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic (sân vận động 50.000 chỗ, Nhà thi đấu tổng hợp, hồ bơi…) đã được TPHCM phê duyệt, làm nức lòng giới thể thao thành phố và trong ánh mắt ngưỡng mộ của các tỉnh, thành ngành khác. Nhưng đến nay, “siêu dự án” này vẫn chỉ là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm. Thậm chí, so với quy hoạch hồi tháng 2-1994, thì diện tích quỹ đất dành cho Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc còn lại chưa đầy 180 ha.

Hồi tháng 8-2016, đã có 4 nhà đầu tư gồm Công ty Nutifood, Công ty Thái Sơn Nam, Tập đoàn J-CODE (Nhật Bản) và Công ty TNHH Vietnam Sports Platform (Hàn Quốc) muốn tham gia đầu tư các công trình thuộc dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 34.000 tỷ đồng. Dự kiến thành phố sẽ phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư triển khai các hạng mục bên trong khu.

Năm 2018, sau thời điểm TPHCM không được chọn trao quyền đăng cai SEA Games năm 2021 (Hà Nội và một số địa phương lân cận sẽ chịu trách nhiệm tổ chức), người làm thể thao TPHCM càng trăn trở hơn và lo ngại rằng dự án này phải khá lâu nữa mới được “bấm máy” khởi động, trong khi nhu cầu phát triển nhiều môn trọng điểm như bóng đá, điền kinh, xe đạp… dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngày càng lớn.

Chưa kể, nhiều công trình thể thao lớn đang xuống cấp (được xây mới hoặc nâng cấp để phục vụ cho SEA Games 2003), không còn đáp ứng nổi nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tài năng, thì ngành TDTT TPHCM rõ ràng đang đối diện với bài toán nan giải về cơ sở vật chất, chấp nhận thua thiệt trong các cuộc chạy đua giành quyền đăng cai và tổ chức những giải đấu lớn, sự kiện thể thao mang tầm thế giới so với Hà Nội và nhiều địa phương được chăm chút đầu tư.

Sân Thống Nhất năm 2018 từng tổ chức Gala tôn vinh các cầu thủ U23 Việt Nam.
Khu LHTT Rạch Chiếc chưa ra đời, cho nên mọi hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ của thể thao TPHCM chủ yếu diễn ra ở các công trình Nhà thi đấu do quận, huyện quản lý, một số công trình được giao cho các đơn vị sự nghiệp có thu phụ trách (Nhà thi đấu Phú Thọ, Nhà tập luyện Phú Thọ, Trung tâm HLTT TPHCM, Trung tâm TDTT Hoa Lư, Trung tâm TDTT dưới nước Thanh Đa…).

Cũng vì phải “gồng gánh” và san sẻ trách nhiệm đào tạo đối với ngành TDTT TPHCM, nên sân vận động Thống Nhất ngoài nhiệm vụ đăng cai các trận đấu thuộc V-League, hạng Nhất, còn phục vụ nhu cầu huấn luyện VĐV bóng đá năng khiếu, đội ngũ trọng tài và đặc biệt là cho môn trọng điểm điền kinh.

Sân Thống Nhất vẫn ổn, vừa được nâng cấp mặt sân cỏ khá hiện đại hồi đầu mùa V-League 2019. Có điều, VFF thường không chọn nơi đây để tổ chức các trận đấu quan trọng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, hay giải đấu có đội tuyển U23 góp mặt, vì nhiều yếu tố (sức chứa chỉ 20.000 người, nguồn thu từ tiền bán vé không cao, giao thông khó khăn, dịch vụ ăn, nghỉ đi kèm không ổn…).

Mặc dù có nuối tiếc và thất vọng khi không được “mục sở thị” thầy trò HLV Park Hang-seo đấu vòng loại World Cup 2022 trên sân Thống Nhất, thì người làm thể thao và giới hâm mộ bóng đá TPHCM nói chung chỉ còn biết chấp nhận, để rồi dấy lên hy vọng sẽ sớm được xem đội tuyển thi đấu trong sân vận động khang trang ở Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc…

Tin cùng chuyên mục