Tìm một lối đi

Có thể ngay sau khi trở về từ Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật 2017, nhiều tuyển thủ quốc gia sẽ lên đường đi tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho ASIAD 2018. 

 

Dài hay ngắn và ở Mỹ hay tại châu Âu còn tùy thuộc vào khả năng tài chính của Tổng cục TDTT cũng như từ địa phương theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Có điều, nói thì xa, nhưng vài tháng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho một cuộc hành trình được dự đoán là gian khó như ASIAD xem ra vẫn còn thiếu, có khi còn chậm trễ. Nên khi đón nhận thông tin Tổng cục TDTT “đang nghiên cứu, rà soát và sàng lọc VĐV để chọn ra danh sách 90-100 người được đầu tư trọng điểm”, nhiều người chỉ biết cười trừ cho qua chuyện.

Thói quen làm thể thao ở xứ ta là “muốn nhanh cứ phải từ từ”, kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin về kế hoạch được lên khuôn cho đến khi được vận hành là cả quá trình kéo dài và thường thì khá chậm. Muốn thúc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị nguồn nhân lực, nếu không có nhà đầu tư nhập cuộc hoặc địa phương (sở hữu VĐV tài năng) mạnh dạn chi tiền sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, biết đến bao giờ mới có được tay vợt Lý Hoàng Nam giàu triển vọng hay tượng đài hiếm thấy Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông?
Tìm một lối đi ảnh 1 Chuẩn bị nguồn nhân lực cho các đấu trường châu lục, thế giới, rất cần những quyết sách nhanh chóng của giới chức quản lý    Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 Cho đến hiện tại, nghĩa là sau vài thập niên hội nhập trở lại với làng thể thao khu vực cũng như quốc tế, thể thao Việt Nam chưa tìm được lối đi riêng cho mình, ngoại trừ vài lần “đi tắt đón đầu” ở một số môn không nằm trong hệ thống thi đấu chính quy của Olympic, hệ lụy là giờ đây khiến làng thể thao phải mang tiếng “nghiệp dư”. 
Chính vì không có một chiến lược cụ thể, vẫn khá chung chung khi đề cập đến tiềm năng phát triển, thể thao Việt Nam vẫn khá ì ạch bước đi. Những dấu ấn mà cử tạ, taekwondo và bắn súng tạo được trở nên lạc lõng trước bạn bè vì điều đó không xảy ra thường xuyên, bởi chủ yếu dựa vào tính đột phá về thành tích của cá nhân và cách thức đầu tư riêng lẻ của bộ môn hoặc liên đoàn thể thao cho VĐV của mình. Chẳng hạn, mặc dù mang tiếng là được đầu tư đến nơi đến chốn, thế nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã không ít lần phải mượn súng của BTC để thi đấu ở nước ngoài, phải tập chay với tấm bia giấy vô tri trước mặt thay vì được bắn bằng đạn thật, nhưng vẫn giành HCV và HCB ở Olympic 2016. Chẳng hạn, tay vợt Nguyễn Tiến Minh phải tự lo mọi thủ tục cho rất nhiều chuyến du đấu nước ngoài, nhận khoản tiền thù lao từ nhà tài trợ Becamex trong thời gian dài để tạo dựng danh tiếng cho cá nhân nói riêng và môn cầu lông nói chung, mà đỉnh cao là lọt vào tốp 5 thế giới, đồng thời giành HCĐ thế giới nội dung đánh đơn. Hay như tay vợt Lý Hoàng Nam lên ngôi ở giải trẻ của đấu trường Grand Slam danh giá, nhưng chưa từng tiêu tốn kinh phí của Tổng cục TDTT để chi cho chuyện thuê thầy ngoại về tập, đi tập huấn và thi đấu triền miên ở khắp nơi trên thế giới… Tự hào thì hẳn rồi, song nếu xét về dấu ấn, những nhà hoạch định thể thao ở thượng tầng (nhiều người thích “hô khẩu hiệu”, nói nhiều nhưng làm ít và không định hình được khả năng của thể thao nước nhà đang ở mức độ nào của sự phát triển) thật nhỏ bé so với sự hy sinh, đóng góp thầm lặng của các nhà đầu tư ngoài xã hội, của gia đình và bản thân VĐV. Lối đi của thể thao Việt Nam vẫn nằm ở phía trước, nhưng tiến từ từ hay phải tiến nhanh, tiến gấp thì đến lúc này, bản thân những nhà hoạch định thể thao ở xứ ta vẫn còn khá… lơ mơ!

Tin cùng chuyên mục