Thiếu điểm tựa cho giấc mơ tiki-taka

HLV Hữu Thắng lên nắm quyền tại đội tuyền Việt Nam và không ngần ngại tuyên bố sẽ xây dựng lối đá theo phong cách tiki-taka quyến rũ, nhưng mục tiêu này xem ra là không dễ thực hiện. Cầu thủ ai cũng biết là phải đá ban bật, phối hợp nhỏ thì mới đúng bài, nhưng ngặt nỗi phần lớn tuyển thủ chẳng mấy khi chơi kiểu này ở cấp CLB!

HLV Hữu Thắng lên nắm quyền tại đội tuyền Việt Nam và không ngần ngại tuyên bố sẽ xây dựng lối đá theo phong cách tiki-taka quyến rũ, nhưng mục tiêu này xem ra là không dễ thực hiện. Cầu thủ ai cũng biết là phải đá ban bật, phối hợp nhỏ thì mới đúng bài, nhưng ngặt nỗi phần lớn tuyển thủ chẳng mấy khi chơi kiểu này ở cấp CLB!

Những ai theo dõi trận hòa 0-0 giữa đội tuyển Việt Nam và HN T&T vừa qua chỉ được xem đoàn quân của HLV Hữu Thắng chơi “tương đối giống tiki-taka” trong khoảng 15 phút đầu trận. Khoảng thời gian còn lại, đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Hữu Thắng khiến người ta thấy “ngờ ngợ” vì lối đá chẳng khác mấy so với thời HLV Miura, cụ thể là sử dụng các đường chuyền ở cự ly tương đối dài, tấn công chủ yếu bằng các pha chuyền vượt tuyến hoặc “treo” bóng từ 2 biên vào khu vực cấm địa để tiền đạo không chiến.

Lối đá theo phong cách tiki-taka xem ra là không dễ thực hiện. Ảnh: Minh Hoàng

Chính HLV Hữu Thắng cũng phải thừa nhận rằng hình ảnh như kể trên “còn khuya” mới đạt được mức kỳ vọng của cá nhân ông cũng như khán giả. Chẳng ai trách hay chê tài của vị tân thuyền trưởng vì điều này khi ông mới trải qua 3 buổi tập cùng các học trò trước khi bước vào trận đấu với HN T&T, mà có lẽ người ta lo cho ông Thắng nhiều hơn. Việc các cầu thủ chỉ “nhớ bài” vỏn vẹn 15 phút đầu trận rồi sau đó thể hiện phong cách “bản năng” là bóng dài cho thấy nhiệm vụ mà ông Thắng đặt ra là xây dựng lối đá tiki-taka quả thực hết sức gian nan.

Hôm qua (17-3), tức là 1 ngày sau trận đấu, HLV Hữu Thắng tiếp tục khẳng định với báo giới rằng ông sẽ “kiên trì uốn nắn cho các cầu thủ” để họ thấm được phong cách tiki-taka. Có thể hiểu ông Thắng đang muốn dư luận không quá lo lắng bởi thời gian từ nay đến các giải đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam còn khá nhiều thời gian. HLV người xứ Nghệ tin rằng những lần tập trung đội tuyển tiếp theo sẽ ngày càng giúp được cách chơi của các tuyển thủ “đi vào khuôn khổ” hơn.

Tuy nhiên, mồ hôi và tâm huyết của ông Thắng trong những buổi tập của đội tuyển hoàn toàn có nguy cơ rơi vào cảnh “chữ thầy trả thầy” khi các tuyển thủ trở về CLB thi đấu ở V.League. Trong 14 đội bóng đang tham dự mùa giải 2016, chỉ thấy mình HA.GL đá “đặc sệt” kiểu bóng ngắn, phối hợp nhỏ và còn lại thì bao nhiêu năm qua vẫn đá phòng ngự - phản công khá “xấu xí”. Kiểu đá này khiến nhiệm vụ chủ yếu của các cầu thủ nội chỉ là phòng ngự bên phần sân nhà và khi có bóng, lập tức “quất” đường chuyền dài rất “vu vơ” lên tuyến đầu để các tiền đạo ngoại tự biên, tự diễn.

Nếu các CLB không chủ động thay đổi kiểu đá này thì những buổi tập ở đội tuyển chẳng bao giờ đủ sức giúp cầu thủ thay đổi được tư duy chơi bóng. Cảnh “xây nhà từ nóc” có lẽ lại nhận thêm một ví dụ minh họa chân thực khi ông HLV trưởng đội tuyển cần mẫn dạy học trò đá tiki-taka rồi họ lại “quên sạch” khi về CLB.

HLV Miura cũng từng phải “bó tay”

Hồi mới đến Việt Nam, HLV Miura cũng yêu cầu các tuyển thủ phải đá ban bật, luân chuyển bóng liên tục trên sân. Sự nghiêm khắc và những yêu cầu chuyên môn kiểu này của HLV Miura chỉ phát huy tác dụng một thời gian rồi cũng đành phải “hạ độ khó” liên tục sau mỗi lần tập trung. Kết quả thì ai cũng thấy đội tuyển chơi kém màu sắc thế nào trong buổi hoàng hôn của triều đại Miura. Nguyên nhân cũng chẳng phải điều gì xa lạ mà cũng vì cầu thủ ta hễ về V-League là “chữ thầy trả thầy”...

Ngọc Phương

Tin cùng chuyên mục