Thích ứng với hội hè

Việc kình ngư Lâm Quang Nhật được Tổng cục TDTT đồng ý tham dự cự ly 1.500m tại SEA Games sắp tới không phải là điều bất ngờ, dù trước đó có nhiều thông tin trái chiều. 
Đúng sai giờ không quan trọng vì đã có quyết định cuối cùng, nhưng cách làm như thế nào để các giải đấu sau này không tiếp tục rơi vào trường hợp tương tự mới là điều đáng nói.
Thích ứng với hội hè ảnh 1 Kình ngư Lâm Quang Nhật hướng đến cú hat-trick vàng ở đấu trường SEA Games.
Lâm Quang Nhật là nhà đương kim vô địch SEA Games cự ly bơi 1.500m tự do. Mặc dù thành tích chưa thể sánh với kình ngư Ánh Viên ở đường đua nữ nhưng Quang Nhật được xem là một trong những tiềm năng nếu được đào tạo đúng hướng. Vậy nên, việc anh bị buộc phải dự vòng thi nội bộ với hai vận động viên khác để chọn ra người xứng đáng nhất dự cự ly 1.500m khiến nhiều người sốc. Quyết liệt nhất là đơn vị chủ quản, Sở VH-TT TPHCM đã thẳng thừng không đồng ý cho Quang Nhật tham gia vòng thi này với lý do sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho vận động viên. Cuối cùng, Tổng cục TDTT đã chấp nhận việc bỏ cuộc của Quang Nhật và đưa anh vào danh sách dự đường đua 1.500m sở trường tại SEA Games sắp tới cùng với Huy Hoàng và bố trí vận động viên Kim Sơn vào các cự ly khác.
Thích ứng với hội hè ảnh 2 Lâm Quang Nhật, Nguyễn Hữu Kim Sơn và Nguyễn Huy Hoàng
Tuy nhiên, việc bắt các vận động viên phải dự vòng thi nội bộ không phải là hiếm với thể thao Việt Nam. Trước đây, bộ môn bóng bàn cũng phải tính chuyện tổ chức cho các tay vợt thi đấu giải nội bộ để chọn các suất chính thức dự SEA Games. Lý do là căn cứ vào kết quả giải quốc gia cũng chưa thật sự thuyết phục so với phong độ và kinh nghiệm của các vận động viên. Có những vận động viên đạt thành tích cao ở SEA Games các mùa trước nhưng phong độ thất thường ở giải trong nước hoặc ngược lại. Vì vậy, quyết định chọn ai, bỏ ai là khá khó khăn đối với quản lý bộ môn. Giải pháp có thêm giải nội bộ để tuyển chọn là nhằm xác định kỹ hơn năng lực, phong độ của các vận động viên trước khi vào giải chính thức. Xét dưới góc độ chuyên môn, nó cũng tương tự như các trận tập huấn của bóng đá để làm cơ sở lên danh sách cầu thủ chính thức vậy.
Thế nhưng, để việc tổ chức tuyển chọn vận động viên đi vào quy cũ, không phải chịu sự phản ứng từ vận động viên thì mọi việc phải được đưa vào quy định. Không khó để Tổng cục TDTT rà soát tất cả các bộ môn, xem xét sự cần thiết đến mức độ nào trong việc phải tổ chức các cuộc thi nội bộ. Và một khi buộc phải có vòng thi nội bộ thì giá trị của các giải trong nước khác sẽ được xem xét ra sao… Bên cạnh đó, phong độ vận động viên là yếu tố quan trọng, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá và quyết định tuyển chọn vận động viên nếu chỉ dựa trên phong độ. Làm rõ được những yếu tố này thì chúng ta sẽ có được những quy chuẩn tương đối khoa học làm cơ sở cho việc tuyển chọn.
Nhìn rộng hơn, có lẽ chỉ có SEA Games mới… gây khó khăn trong việc tuyển chọn vận động viên đến vậy. Olympic hay các giải đấu uy tín khác trên thế giới đều có tiêu chí tuyển chọn vận động viên rõ ràng, ai đạt chuẩn thì được, không đạt thì ở nhà. Để đạt được các chuẩn dự Olympic hay các giải uy tín thì vận động viên ngoài thành tích tích lũy còn đảm bảo phong độ cũng như phấn đấu cao nhất trong quá trình tập luyện. Đó là cách tốt nhất mà không cần phải có thêm một cuộc tuyển chọn nội bộ nào. Nhưng chúng ta đang dự SEA Games, được xem là một giải mang tính chất hội hè nhiều hơn nên cũng đành phải học cách thích ứng riêng với nó!

Tin cùng chuyên mục