Bùng nổ “cuộc chiến” bản quyền truyền hình - VFF đối mặt với kiện tụng

Không quan tâm
Bùng nổ “cuộc chiến” bản quyền truyền hình - VFF đối mặt với kiện tụng

Không quan tâm

Hôm qua, bằng văn bản do Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên ký, Công ty quản lý bóng đá VPF  đã xác nhận cho phép VTV và các đài trực thuộc được truyền hình trực tiếp và phát lại các trận đấu của giải bóng đá ngoại hạng quốc gia. Thậm chí, VTV còn được phép hỗ trợ VTC và các đài địa phương phát sóng. Điều này cũng đồng nghĩa, VPF không hề quan tâm đến hợp đồng độc quyền của AVG ký với VFF.

Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá mùa giải 2012 chưa ngã ngũ. Ảnh: Nguyễn Nhân

Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá mùa giải 2012 chưa ngã ngũ. Ảnh: Nguyễn Nhân

VPF căn cứ trên Nghị quyết 426/QN-LĐBĐVN của VFF ban hành cho phép họ “quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền” 4 giải đấu (Super League, hạng nhất, cúp quốc gia, siêu cúp) để cho rằng mình toàn quyền chọn đối tác cung cấp bản quyền.

Trước đó, VPF đã có buổi làm việc với AVG và AVG không công nhận quyền hạn của VPF. Bằng văn bản được gởi đến các đài truyền hình cũng như cơ quan truyền thông, công ty này tuyên bố: “…nếu có bất kỳ sự thay đổi nào (nếu có nhu cầu từ VFF) cần phải được thống nhất trước với AVG và đảm bảo tính kế thừa, toàn vẹn của hợp đồng đã ký. Việc VFF có bất kỳ quyết định đơn phương nào liên quan tới vấn đề bản quyền truyền hình trước khi có sự chấp thuận của AVG sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín và quyền lợi hợp pháp của các bên”.

Và AVG chỉ đồng ý đàm phán với VPF trong trường hợp “…AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đồng thời VPF phải cam kết tuân thủ hợp đồng đã ký rồi mới có thể tiến hành đàm phán”.

Lại làm sai

Như chúng tôi đã từng đề cập, AVG có lý khi không ngồi đàm phán bởi VPF chỉ là bên thứ 3. Cho dù VFF có ủy quyền cho VPF thì trước hết phải có sự chấp thuận từ AVG về tư cách của pháp nhân mới này. Còn VPF, với những căn cứ trên pháp lý, họ vẫn có quyền để làm chủ bản quyền truyền hình các giải đấu do mình quản lý.

Như vậy, với việc ban hành Nghị quyết 426/QN-LĐBĐVN  thì đây chỉ là chuyện nội bộ của VFF (với tư cách là đơn vị quản lý VPF) nhưng lại  hoàn toàn sai luật nếu xét ở góc độ pháp lý ở hợp đồng với AVG.  Lẽ ra VFF phải thông báo với AVG và chờ sự đồng ý việc chuyển giao cho VPF trước khi ban hành nghị định nói trên. 

Việc VPF cho phép VTV và các đài khác được khai thác bản quyền truyền hình chắc chắn là làm vô hiệu hợp đồng độc quyền của AVG và không khó để nhận định rằng, trong trường hợp này, VFF sẽ bị AVG kiện ra tòa khi đơn phương chuyển giao, tiết lộ nội dung hợp đồng và không bảo vệ quyền lợi cho đối tác của mình. 

Điều đáng tiếc là suốt thời gian qua, VFF không có bình luận gì về vấn đề này khi cả hai bên AVG lẫn VPF đều bảo lưu quan điểm. Thậm chí, tại trận tranh siêu cúp quốc gia vừa qua, cả AVG lẫn VTV đều đem máy vào sân để thu hình sản xuất mà VFF cũng chưa lên tiếng can thiệp.

Chỉ còn 1 ngày nữa là mùa bóng mới khai mạc, cuộc chiến truyền hình lại nổ ra và người hâm mộ có thể sẽ không được xem bóng đá nội địa nếu các bên dắt nhau ra tòa chờ phán quyết.

Việt Quang

  • Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ:

“Tôi vẫn chưa hiểu động cơ và tính mục đích của việc đòi xem lại hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Chưa thấy mối liên quan nào giữa việc xây dựng và phát triển bóng đá (là một trong các mục tiêu của việc thành lập ra VPF) với việc đòi xem xét và lấy lại bản quyền của AVG. Chúng tôi sản xuất rồi truyền dẫn các trận đấu về các nhà đài và đề nghị chia đôi thời lượng quảng cáo. Như vậy, nếu một đài nào đó không phát sóng phục vụ nhân dân thì đó là việc của các nhà đài chứ không phải lỗi của chúng tôi…”.

  • Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên:

“Chúng tôi chỉ làm trong phạm vi và quyền hạn mà Công ty VPF được phép. Cái gì liên quan giữa VFF và AVG là chuyện riêng giữa hai bên. Cái gì liên quan đến AVG thì tôi không thể trả lời, vì tôi có biết gì về AVG đâu”.

Đ.L. (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục