Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết

Kỳ 4: Trăn trở chuyện mấy quả bóng

Loạt bài chuyên đề “Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết” đã đăng được 3 kỳ, chúng tôi nhận được nhiều sự đồng tình cùng những ý kiến đóng góp. Đáng chú ý là các ý kiến chung quanh việc sử dụng các quả bóng làm giải thưởng.

Có bạn đọc thắc mắc “vì sao không mở một cuộc tìm kiếm đơn vị chế tác quả bóng vàng trong nước?”, vì chắc chắc nó sẽ rẻ hơn, tiết kiệm hơn. Bạn đọc khác thì cho rằng việc dùng “quả bóng ngoại”, đắt tiền thì giá trị cao, nhưng như thế thì không cần thiết phải dùng đến tiền thưởng, như các nơi đã làm.

Các ý kiến đóng góp thật đáng suy nghĩ. Nếu như cho rằng do giải thưởng lần 1 tổ chức cập rập, nên đành phải dùng mấy quả bóng làm ở khu đúc lư đồng quận 6 thì các lần tổ chức sau vẫn đủ thời gian để tìm kiếm một nơi chế tác quả bóng tốt hơn, đẹp hơn mà lại rẻ hơn.

Theo lời anh Hồ Nguyễn, Phó ban tổ chức giải thưởng, là do ở nước ta, mặt hàng này không phổ biến, các đơn vị không thể đổ khuôn, đúc vài quả bóng trong một năm rồi xếp xó chờ đến giải thưởng “Quả bóng vàng” năm sau. Trong khi đó, các quả bóng sử dụng hiện nay được “còm măng” từ Pháp, qua trung gian một công ty của một cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Sở Công nghiệp trước đây, được biết đến với bộ ba “Sơn - Vĩnh - Công”, là anh Nguyễn Văn Công. Anh Công hiện sinh sống tại Pháp, nhận đơn đặt hàng của Ban tổ chức, chọn lựa các mẫu đúng yêu cầu, đóng kiện, rồi chuyển các giải thưởng (hiện nay lên đến 8 bộ giải) về Việt Nam đúng hẹn.

Thật tình mà nói, bộ giải thưởng của Quả bóng vàng được đánh giá là bộ giải đẹp nhất, giá trị nhất trong số các giải thưởng thể thao hiện nay tại Việt Nam, kể cả khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, chi phí cho toàn bộ công việc này tăng từ 30 triệu đồng ở những năm đầu (gồm 3 bộ giải) lên đến hơn 60 triệu đồng (8 bộ giải). Dù tốn kém nhưng theo ý kiến của Ban tổ chức, với danh hiệu mà các cầu thủ xuất sắc được bầu chọn thì giá trị của các vật phẩm như thế là tương xứng.

Một điều nữa là số tiền thưởng đi kèm cũng rất cao, thường là 20 triệu đồng cho quả bóng vàng (đỉnh điểm lên đến 30 triệu đồng như giải năm 1997), rồi thấp dần ở các nội dung giải thưởng sau đó. Kể cả những năm “hạn hán” không tìm được tài trợ mạnh, Ban tổ chức cũng không muốn hạ thấp giá trị giải thưởng, cả hiện vật lẫn hiện kim, nhằm đảm bảo chất lượng của giải và cũng là tình cảm của các nhà tổ chức đối với các tài năng bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyện chế tác mấy quả bóng vẫn làm người viết trăn trở. Cách đây đúng 10 năm, tôi cũng nghĩ ra giải thưởng “Chiếc giày vàng” và được phối hợp tổ chức giữa SGGP Thể thao với Ban Thời sự VTV. Tiếc là giải thưởng ý nghĩa đó chỉ thọ đúng 1 năm. Tuy nhiên, vật phẩm các chiếc giày vàng, bạc, đồng năm ấy do Công ty Vita chế tác khá đẹp. Đây là công ty chuyên nghiệp và rất nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất các vật phẩm lưu niệm. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn hy vọng một ngày nào đó giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam” sẽ dùng chính sản phẩm “made in Việt Nam” mà vẻ đẹp và sự sang trọng không thua gì hàng nước ngoài.

- Kỳ 3: Vì sao “Vua đá phạt đền” trở thành “Vua bóng đá”?

Tin cùng chuyên mục