Lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam – Những điều chưa biết

Kỳ 2: Lý do Chiến thua Đang và việc chế tác các quả bóng giải thưởng

Kỳ 3:

Người viết còn nhớ năm ấy, do tổ chức lần đầu nên việc kiểm phiếu cũng còn bỡ ngỡ. Chỉ có 40 lá phiếu, nhưng phải kiểm đi kiểm lại hai lần cho chắc ăn. Như chúng ta đã biết, tiền đạo Lê Huỳnh Đức (đội CATPHCM) và thủ môn Nguyễn Văn Cường (Bình Định) vượt lên trước với số phiếu đạt được là 57 điểm và 36 điểm, để chia nhau hai giải thưởng Quả bóng vàng và bạc.

Cuộc so kè kịch tính diễn ra giữa tiền vệ Nguyễn Hữu Đang (Khánh Hòa), người ghi bàn thắng vào lưới Indonesia, tạo bước ngoặt đưa Việt Nam lần đầu tiên sau năm 1975 lọt vào bán kết SEA Games và tiền đạo Trần Minh Chiến (đội CATPHCM), người ghi “bàn thắng vàng” ở hiệp phụ trận bán kết loại Myanmar 2-1. Bàn thắng nào cũng là bước ngoặt, ai đoạt danh hiệu cũng đều xứng đáng, nhưng quả bóng giải thưởng chỉ còn 1 trái. Và cuối cùng Đang nhận được 35 điểm hơn Chiến đúng 1 điểm, nhận “Quả bóng đồng”.

Tan cuộc bầu chọn lần đầu tiên vào năm 1995, nhà báo kỳ cựu Hoàng Minh Phương, người có mặt tại SEA Games 18, tâm sự: “Lá phiếu của tôi bầu cho Đức, Cường và Đang, mà không bỏ cho Chiến là có lý do”. Ông cho biết hôm diễn ra trận chung kết Thái Lan-Việt Nam, do khán giả tràn xuống sân đông, nên cánh phóng viên bị đẩy dạt ra sát sân bóng.

Nhà báo Hoàng Minh Phương bèn nhích đến gần khu vực kỹ thuật của đội tuyển Việt Nam ngồi, với hy vọng gần gà nhà sẽ yên thân. Nào ngờ, một tiếng quát lạnh lùng bên tai: “Nè ông kia, tránh ra chỗ khác ngồi!”. Ngẩng đầu lên, ông Phương nhận ra ngay Trần Minh Chiến, cầu thủ mang áo số 11 của đội tuyển mà trận này ngồi dự bị do chấn thương.

Từ đó, ông có ác cảm luôn với cầu thủ này và quyết định không bỏ phiếu bầu anh ta. Nếu có 1 phiếu của ông Phương, tức là Hữu Đang mất đi 1 phiếu thì Quả bóng đồng năm 1995 đã thuộc về Chiến rồi.

Lại nói đến chuyện chế tác các quả bóng. Bầu chọn xong, định ngày tổ chức xong thì mới nhớ tìm mua ở đâu quả bóng làm giải thưởng đây? “Đốt đuốc” đi khắp Việt Nam cũng không tìm được nơi nào làm sản phẩm có một không hai này. Tôi và họa sĩ HAF (tức Nguyễn Hồng Phượng) bàn nhau tìm đến khu đúc lư đồng ở vùng ba làng bốn xã, miệt Cầu Tre.

Đến ngày nhận “sản phẩm” thì ông chủ xưởng chỉ tay vào đống kim loại nằm lăn lóc trong sân như mấy quả dừa. Cái thì rỗ mặt, cái trông méo mó phát sợ, mọi người cuống cả lên vì ngày trao giải chỉ còn non 1 tuần. Thôi đành chọn 3 trái... tròn nhất về làm giải thưởng.

Chưa hết chuyện, còn phải đi xi mạ lên bóng để cho nó có đủ màu vàng, bạc, đồng mà phân biệt. Không biết xi mạ thế nào mà khi mang về, nước từ bên trong cứ lâu lâu chảy rỉ rả trở ra, báo hại phải dùng quạt máy hong khô suốt ngày đêm.

Thuở ban đầu luôn khó khăn, vất vả, nhưng được cái là đầy ắp nghĩa tình. Sau này, khi Ban tổ chức đề nghị Lê Huỳnh Đức đổi lại quả bóng mới, anh đã một mực từ chối: “Không cần đâu các anh. Đức vẫn để nó trang trọng bên trong tủ kính. Kỷ niệm mà”.

Các quả bóng sau đó được Ban tổ chức đặt mua từ Nhật Bản (1996), Pháp (các năm sau), nên trông bề thế, đẹp hẳn lên, không thua các quả bóng giải thưởng bên châu Âu, nhưng giá mỗi trái ngót nghét cả ngàn đô la Mỹ. Biết vậy, nhưng BTC vẫn chi, vì nghĩ rằng, giải thưởng tôn vinh cầu thủ xuất sắc thì phải giá trị, phải đẹp, còn việc tốn kém chỉ là chuyện nhỏ.
-----------------
Kỳ 3: Vì sao “Vua đá phạt đền” trở thành “Vua bóng đá”?

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục