15 ngày đến SEA Games 24 - 2007

Bài 12: “Những ông hoàng” trên thảm judo

Đội tuyển judo (Nhu đạo) ngày trước không được đầu tư, chăm sóc cẩn thận như bây giờ. Họ không có những chuyến tập huấn dài tại các cường quốc Nhu đạo, cũng không có chuyên gia kèm cặp ngày đêm. Tuy nhiên, với trái tim quả cảm, cộng với tài năng kiệt xuất, nhiều người đã trở thành “những ông hoàng” trên thảm đấu judo.

Theo lịch sử SEAP Games, nhà vô địch judo đầu tiên của Việt Nam là ông Huỳnh Văn Có  (SEAP Games 3 - 1965). Sau khi vượt qua Quek Ser Hong (Singapore) ở bán kết, ông Có thắng luôn Boonlert Buakeo (Thái Lan) trong trận chung kết hạng cân đến 86kg, đoạt huy chương vàng. Cũng nên nói thêm, ở hạng cân này, Boonlert Buakeo đoạt HCV 2 năm sau tại SEAP Games 1967, nhưng thua cả hai trận chung kết ở 2 kỳ SEAP Games liên tiếp trước Khong Sansoon (Singapore) năm 1969 và Nordin Hamzah (Malaysia) năm 1971. Các võ sĩ judo Việt Nam cũng chỉ dừng lại tại bán kết, nhận HCĐ ở hạng cân này các kỳ SEAP Games sau gồm Trương Đức Hiếu (1967, 1973) và Nguyễn Long Vân (1969).

Nhà vô địch judo SEAP Games thứ hai của Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Kháng ở hạng cân 57kg. Năm 1969, sau khi hạ Nadvarut Khongsiri (Thái Lan) ở bán kết, ông Kháng đánh bại luôn Tan Sin Ann (Singapore) trong trận chung kết đầy kịch tính, đoạt HCV. Trước đó, ở hạng cân này, Trương Văn Xuân từng đoạt HCB, sau khi thua chính Nadvarut Khongsiri trong trận chung kết SEAP Games 1965 và Thạch Cẩm Tòng bại trận trước Montri Chomsakorn (Thái Lan) ở bán kết SEAP Games 1967, nhận HCĐ. Được biết, tại SEAP Games 1973 ở Singapore, cả Nguyễn Xuân Kháng và Montri Chomsakorn cùng đôn lên chơi ở hạng cân 60kg và gặp nhau trong trận chung kết. Tiếc là ông Kháng đã thua trong trận đấu cuối cùng, nhận HCB.

Thạch Cẩm Tòng cũng là một cái tên đáng chú ý, vì có đến 3 lần được nhắc trong cuốn lịch sử judo ở SEAP Games. Tuy nhiên, vận rủi luôn đeo bám võ sĩ này, khi cả 3 lần ông đều bại trận ở bán kết các kỳ SEAP Games 1967 (hạng cân đến 57kg), 1971 và 1973 (đều ở hạng cân đến 78kg) khi tuổi đã cao, cơ thể bắt đầu nặng dần.

Lê Văn Vinh là một cái tên khác của làng judo Việt Nam thời SEAP Games và cũng đi kèm với một “khắc tinh” khác là Kan Kwok Toh (Singapore) ở hạng cân nặng 95kg. Ông Vinh thua Kan ở bán kết SEAP Games 1967, nhận HCĐ, rồi lại tiếp tục thua Kan trong trận chung kết SEAP Games 1969, đành chấp nhận tấm HCB. Xin nói thêm, Kan Kwok Toh đã lập “hattrick” ở hạng cân này, với 3 HCV các năm 1969, 1971, 1973 trước khi giải nghệ.

Một cái tên khác rất quen thuộc với chúng ta ngày nay là ông Nguyễn Hữu Huy, từng là HLV trưởng đội tuyển judo Việt Nam dự các kỳ SEA Games 1991, 1993... rồi Phó Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam các nhiệm kỳ trước, có công đào tạo lớp võ sinh tài năng, trong đó có các con Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Quốc Thắng... Còn trẻ, ông Huy là một tuyển thủ gạo cội, nhưng tiếc là không vượt qua được cái ngưỡng bán kết. Ông đoạt 2 HCĐ hạng không kể cân tại SEAP Games 1967 (thua Moorthy, Singapore ở bán kết) và hạng cân đến 71kg SEAP Games 1969. Ở hạng cân này, Đặng Phước Tống cũng đoạt HCĐ SEAP Games 1967.

Nếu như phái nữ im hơi, lặng tiếng thời SEAP Games thì sau khi hội nhập, làng judo nữ Việt Nam cất cao tiếng nói, với “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh 3 lần liền đoạt HCV hạng cân đến 48kg tại các kỳ SEA Games 1991, 1993, 1995, rồi sau đó trao “ngôi hậu” lại cho Nguyễn Kim Vui cũng ở hạng cân này vào năm 1997.

Linh Giao

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lịch sử qua những con số - từ Seap Games...

- Bài 2: Lịch sử qua những con số - ...  SEA Games

- Bài 3: Môn thể thao vua và câu hỏi đã có lời giải

- Bài 4: Lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng

- Bài 5: Bóng đá Việt Nam qua những lần đọ sức với Malaysia

- Bài 6: Điền kinh nhớ thuở... hoang sơ 

- Bài 7: Bơi lội tìm lại chút hào quang xưa

- Bài 8: Bá chủ làng quần vợt nam SEAP Games

- Bài 9: Câu chuyện bóng bàn

- Bài 10:  “Ngựa sắt” tung vó mù SEAP Games

- Bài 11: Nhớ những cú đập trời giáng

Tin cùng chuyên mục