Tiến đến World Cup 2006 - còn 4 ngày nữa: Giải quyết 7 vấn đề trước thềm World Cup

Bài 3: Trọng tài

Tin, bài liên quan:
Bài 3: Trọng tài

Không riêng gì làng bóng Việt Nam, mà ở ngay giải đấu lớn nhất hành tinh, trọng tài cũng luôn là đầu đề của mọi cuộc tranh luận. Cho dù, việc sàng lọc, tuyển chọn các vị cầm cân nẩy mực được FIFA tiến hành một cách cẩn trọng, nghiêm túc, qua nhiều vòng kiểm tra, thử thách.

Đầu tiên, 44 trọng tài chính và 111 trợ lý trọng tài (trọng tài biên) được FIFA mời tham gia chương trình tập huấn kéo dài từ 22 đến 25-3-2006 tại Frankfurt, Đức. Danh sách mời các “ứng viên” phân bố theo châu lục như sau: châu Á 6, châu Phi 6, vùng Trung Mỹ và Caribbean 6, Nam Mỹ 7, châu Đại dương 2 và châu Âu đông nhất 17.

Bài 3: Trọng tài ảnh 1
Người hâm mộ vẫn nhớ đến ông Colina là trọng tài xuất sắc nhất.

Và họ được triệu tập dựa vào 3 giải đấu lớn trong năm 2005 và 2006 làm thước đo: giải Thanh niên thế giới tại Hà Lan, Cúp các châu lục tại Đức và giải vô địch U-17 thế giới tại Peru. Cuối cùng, 26 trọng tài chính và 52 trợ lý đã vượt qua vòng sát hạch để chính thức nhận tấm giấy thông hành đến Đức.

Châu Âu vẫn chiếm con số lớn nhất, với 9 trọng tài chính và 18 trợ lý trọng tài. Châu Á có 3 trọng tài chính và 6 trợ lý được làm nhiệm vụ tại World Cup. Đáng nói nhất là Singapore lần thứ hai có 1 trọng tài được cầm còi tại World Cup là ông Shamsul Maidin, 40 tuổi, được “chấm” sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại 2 giải đấu lớn trong vòng 2 năm là giải Thanh niên thế giới 2003 và Cúp các liên đoàn năm 2005.

Một trọng tài khác của khu vực Đông Nam Á có vinh dự làm nhiệm vụ tại World Cup 2006 là trợ lý người Thái Lan Prachya Permpanich. Cả hai sẽ cùng ra sân điều khiển trận Trinidad&Tobago gặp Thụy Điển ngày 10-6 tại Dortmund.

Trở lại câu chuyện trọng tài ở World Cup. Nhiều đội bóng lớn công khai bày tỏ mối lo ngại về chất lượng trọng tài, nhất là khi họ “không may” bị xếp cho các trọng tài kém cỏi thì coi như tiêu. Không chỉ kết quả bị đảo ngược, mà công sức tập luyện, chi phí hàng triệu USD chuẩn bị bao năm tháng kể như đổ sông, đổ biển.

Trong lịch sử, chúng ta từng biết đến nhiều vị trọng tài đã làm sai lệch trận đấu một cách trắng trợn trong các trận Liên Xô - Bỉ 3-4 (1986) do trọng tài Erik Fredriksson (Thụy Điển) cầm còi, trận Anh-Argentina 1-2 (1986) khi trọng tài Ali Bennaceur (Tunisia) quá yếu kém, không nhìn thấy Maradona ghi bàn bằng tay.

Rồi mới cách đây 4 năm, chủ nhà Hàn Quốc liên tục hưởng lợi từ trọng tài người Ecuador Byron Moreno trong trận thắng Ý 2-1 và trọng tài người Aicập Gamal Ghandour trong trận thắng Tây Ban Nha ở loạt sút 11 mét luân lưu, mà đáng lý ra họ đã bị loại từ trong hai hiệp chính, bởi bàn thắng hợp lệ của đội khách không được công nhận.

Có người lý giải rằng, sai sót của trọng tài chính là một phần của bóng đá, mà nếu có sự tham gia thái quá của máy móc sẽ là giảm ý nghĩa của môn chơi của con người. Song, nếu nhìn theo hướng tích cực hơn thì thông điệp của thể thao là sự trung thực, kết quả được phân định một cách rõ ràng, chính xác và minh bạch. Mọi tác động từ bên ngoài làm thay đổi kết quả đều không được phép. Đó chính là lý do, huấn luyên viên của nhiều đội bóng lớn đã lên tiếng yêu cầu FIFA hãy lựa chọn và sắp xếp trọng tài hợp lý, tránh tối đa những “cái chết” oan uổng …

Bài 4- Chuyện bản quyền
 

MINH HÙNG

Tin, bài liên quan:

Bài 2: Bạo lực sân cỏ

Bài 1: An ninh, khủng bố và phân biệt chủng tộc

Tin cùng chuyên mục