Tiến đến World Cup 2006 - còn 6 ngày nữa: Giải quyết 7 vấn đề trước thềm World Cup

Bài 2: Bạo lực sân cỏ

Bài 2: Bạo lực sân cỏ

Một số bạn chắc không quên pha băng ra cứu nguy khung thành nhà của thủ môn Harald Schumacher của tuyển CHLB Đức trong trận bán kết gặp tuyển Pháp tại World Cup 1982. Kết quả: cầu thủ Batiston bị chấn thương nặng, bất tỉnh, phải rời sân trên cáng cứu thương. Chẩn đoán sau đó tại bệnh viện cho biết, hậu vệ người Pháp này bị vỡ xương hàm, chấn thương vùng đầu. Điều đáng nói là cú ra… hụt bóng ấy của thủ môn người Đức không hề bị trọng tài thổi phạt (?).

Bài 2: Bạo lực sân cỏ ảnh 1

Joe Cole bị truy cản cứng rắn trong trận giao hữu Anh – Hungary (3-1).

Xa hơn một chút khi đọc lại những trang tài liệu cũ, từ hồi World Cup 1966, các cầu thủ Nam Mỹ là mục tiêu của những “trận đòn” ngay trên sân cỏ của các hậu vệ châu Âu, trước sự dung túng của các trọng tài. Một trong những nạn nhân năm ấy là “Vua bóng đá” Pelé.

Ngày nay, FIFA đã ban hành nhiều qui định, liên tục nhắc nhở các trọng tài “đừng nhẹ tay với các lỗi thô bạo trên sân, nhất là các cú tắc bóng từ phía sau, dễ làm gãy chân đối phương”. Thế nhưng, nhắc nhở thì nhắc nhở, nhưng hiệu quả đến đâu thì còn cần phải bàn. Trước khi diễn ra World Cup 2006, FIFA tiếp tục khuyến cáo các trọng tài phải giữ nghiêm luật lệ và không bỏ sót những lỗi thô bạo, đặc biệt là giai đoạn cuối của giải, khi mà việc tranh chấp thứ hạng càng lúc càng quyết liệt.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Hội đồng y khoa thế giới, trực thuộc FIFA, cho hay: hơn 70% chấn thương của cầu thủ đều xuất phát từ những tình huống tranh chấp không đáng có, thường do sự yếu kém về kỹ thuật phòng thủ, hoặc do lỗi cố tình triệt hạ đối phương. Hậu quả là nhiều “đôi chân vàng” buộc phải ngưng hoạt động, vì phải bó bột, hoặc làm bạn với chiếc nạng gỗ.

World Cup 2006 chưa diễn ra, nhưng danh sách các “thương binh” sau những trận chiến trên sân giao hữu ngày một dài thêm và nổi tiếng nhất, tốn nhiều công sức, giấy mực nhất chính là chấn thương của tiền đạo số 1 tuyển Anh Wayne Rooney. Anh bị thương trong trận đấu của giải vô địch quốc gia giữa Manchester United và Chelsea, trong một pha bóng không đáng phải… thiệt thân. Rồi Vladimir Smicer của Czech cũng lên đường về nước sớm sau khi chấn thương trong trận đấu tập với CLB Bordeaux của Pháp.

Nhiều đội bóng mạnh không dám cho quân của mình tung hết sức trong các trận giao hữu trước giải, vì sợ không may. Lối chơi giữ mình, cầm chừng do ngại chấn thương sẽ giết chết bóng đá đỉnh cao, nếu nó bị mang vào World Cup.

MINH HÙNG

Bài 1: An ninh, khủng bố và phân biệt chủng tộc

Bài 3: Trọng tài

Tin cùng chuyên mục