Thể thao Việt Nam chuẩn bị SEA Games 25: Chưa giải được bài toán kinh phí

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, SEA Games 25 sẽ khai mạc tại Lào, thế nhưng, thực tế công tác chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam còn rất nhiều khó khăn vì… cạn kinh phí! Cho đến nay, tại đại bản doanh của thể thao Việt Nam là Trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn chưa thể áp dụng chế độ ăn 200.000đ/ngày cho VĐV. Thậm chí, các loại thuốc dinh dưỡng cũng sẽ không được cấp phát vì đã hết tiền.
Thể thao Việt Nam chuẩn bị SEA Games 25: Chưa giải được bài toán kinh phí

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, SEA Games 25 sẽ khai mạc tại Lào, thế nhưng, thực tế công tác chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam còn rất nhiều khó khăn vì… cạn kinh phí! Cho đến nay, tại đại bản doanh của thể thao Việt Nam là Trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn chưa thể áp dụng chế độ ăn 200.000đ/ngày cho VĐV. Thậm chí, các loại thuốc dinh dưỡng cũng sẽ không được cấp phát vì đã hết tiền.

Căng thẳng chuyện dinh dưỡng

Chiều qua, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Theo danh sách Trung tâm đang tập trung khoảng gần 500 VĐV, thì thực tế chỉ có hơn 200 VĐV vì số đông VĐV đang đi tập huấn nước ngoài chưa về và ở nhiều địa điểm khác. Sáng ngày mai (17-11), Phó Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng mới lên Tổng cục TDTT để xin ý kiến triển khai chế độ dinh dưỡng cho VĐV theo mức 200.000đ/người/ngày. Còn hiện tại, các VĐV tập huấn ở đây vẫn hưởng theo mức cũ”.

Như vậy, có thể nói rằng kế hoạch dinh dưỡng cho VĐV chuẩn bị SEA Games đã không đạt yêu cầu vì khi triển khai được sẽ không đủ 1 tháng. Tuy nhiên, đây là vấn đề bất khả kháng của ngành thể thao vì sau khi đăng cai AIG 3 quá tốn kém, kinh phí đã cạn kiệt. Một lãnh đạo ngành thể thao đã cho biết: “Thực tế, tiền ăn 200.000đ/người/ngày cho VĐV đi SEA Games vẫn chưa cân đối được”.

Trước những khó khăn này, các VĐV đang tập huấn chỉ biết… than trời! Hầu hết các đội tuyển tham dự SEA Games cùng chung danh sách với AIG 3, họ vừa được hưởng chế độ dinh dưỡng 200.000đ/ngày, nhưng hết AIG 3 thì tiền ăn bị co lại chỉ còn 60.000đ/người/ngày. Việc tăng chế độ dinh dưỡng còn phụ thuộc vào quyết định danh sách VĐV chính thức dự SEA Games 25. Đến nay, ngoại trừ đội tuyển bóng đá U23 đã chốt danh sách, còn hầu như các đội tuyển khác đang chờ ban hành quyết định.

Khác với mọi năm, lực lượng VĐV năm nay phải tham dự 2 giải đấu quan trọng sát nhau, đặc biệt một số tuyển thủ điền kinh còn phải dự đến 3 giải đấu liên tiếp, thì đáng lẽ ra, chế độ dinh dưỡng phải bảo đảm. Vậy mà không những chế độ ăn bị cắt giảm, thuốc dinh dưỡng còn không được cấp.

Qua tìm hiểu của SGGP Thể Thao, nhiều HLV, VĐV cho rằng ở thời điểm này họ không ăn được nhiều, mà cần nhất là các loại thuốc dinh dưỡng để bổ sung trực tiếp thì lại không được đáp ứng. Xin lấy ví dụ cụ thể: VĐV Nguyễn Hữu Việt được Hiệp hội Thể thao dưới nước cung cấp đủ thuốc dinh dưỡng, nên có những thời điểm tập nặng không ăn nổi vẫn đủ thể lực tập tiếp buổi sau. Nhờ có thuốc tốt, Việt liên tiếp phá các kỷ lục quốc gia ở giải bơi vô địch quốc gia, rồi lại đạt thành tích ấn tượng tại AIG 3. Đáng tiếc, những VĐV được chăm sóc tốt như thế không nhiều.

Các VĐV nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 25, nhưng chế độ dinh dưỡng của họ chưa được đảm bảo vì thể thao Việt Nam… cạn kinh phí! Ảnh: Hoàng Hùng

Các VĐV nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 25, nhưng chế độ dinh dưỡng của họ chưa được đảm bảo vì thể thao Việt Nam… cạn kinh phí! Ảnh: Hoàng Hùng

Khó vượt Thái Lan ở SEA Games 25

Sau khi giành ngôi đầu toàn đoàn tại SEA Games 22-2003 trên sân nhà, lãnh đạo Ủy ban TDTT lúc đó từng tuyên bố Việt Nam sẽ giành ngôi vô địch toàn đoàn tại Lào vào năm 2009. Thế nhưng, sau khi đưa được hàng loạt môn thể thao thế mạnh như đá cầu, lặn, judo, karatedo, bắn súng, vật, wushu, pencak silat vào chương trình thi đấu tại Lào, mới đây, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam lại khiêm tốn đưa ra chỉ tiêu chỉ đứng trong tốp 3 đoàn dẫn đầu với khoảng 70 HCV.

Thực tế, nếu bằng mọi giá để giành huy chương ở các nội dung thế mạnh, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giành ngôi đầu, nhưng đại hội lần này tổ chức trên nước bạn Lào nên buộc ngành thể thao Việt Nam lại phải cân nhắc. Trước hết, Việt Nam cần giúp Lào tổ chức thành công SEA Games 25 để quảng bá hình ảnh đất nước Triệu Voi. Còn nếu tận dụng điều này để lấy huy chương thì biết bao nhiêu công sức hỗ trợ sẽ giảm đi ý nghĩa “vô tư”.

Được biết, dù là nước đăng cai SEA Games 25, song, nước bạn Lào chỉ đề ra chỉ tiêu giành 25 HCV ở một số môn mạnh như bi sắt, quyền Anh, đá cầu, lặn. Như thế, việc cạnh tranh ngôi đầu vẫn chỉ có Việt Nam và Thái Lan.

Trong cuộc đấu tay đôi ở hầu hết các nội dung thi đấu mà Việt Nam có thế mạnh, cơ hội giành chiến thắng trước người Thái không phải là ngoài tầm tay. Vấn đề cốt lõi vẫn là thực lực và sự chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam. Rất mừng là ngoài chuyện chậm tăng chế độ dinh dưỡng và thuốc bổ trợ thì hầu hết các VĐV có cơ hội giành HCV đều được triệu tập từ đầu năm, được cọ xát ở các giải đấu và tập huấn quốc tế.

SEA Games vẫn là sân chơi vừa sức nhất với thể thao Việt Nam. Nếu lấy thước đo là lực lượng VĐV vừa dự AIG 3, giải vô địch điền kinh châu Á, hay các giải vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội dẫn đầu khu vực. 

Thanh Phong 

Đoàn thể thao Việt Nam sang Lào bằng đường hàng không

Ông Hoàng Quốc Vinh, quyền Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Tổng cục TDTT cho biết: “Toàn bộ lực lượng VĐV, HLV, cán bộ của đoàn Thể thao Việt Nam sẽ sang Lào bằng đường hàng không”.

Dự kiến, đội tuyển bóng đá Olympic sẽ đi đầu tiên vì môn này thi đấu từ 2-12. Các VĐV khác sẽ sang Lào 2 ngày trước khi thi đấu và về cũng vậy. Đoàn đông nhất sẽ đi vào ngày 7-12. Có một số VĐV sẽ được ưu tiên sang trước vì đặc thù thi đấu. Có một số đoàn chủ yếu sang hỗ trợ Lào công tác tổ chức di chuyển bằng đường bộ vì cần phải có phương tiện tác nghiệp.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục