Thấy sai mà sửa không được

U22 đang có một lứa cầu thủ tốt nên ai cũng tin rằng họ nhất định sẽ thắng HCV SEA Games. Vì kỳ vọng càng nhiều, tự nhiên càng thấy lo khi mà những lỗ hổng chết người vẫn còn đó...
Lá chắn Văn Hậu (phải) chưa thật sự khiến HLV Hữu Thắng an tâm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lá chắn Văn Hậu (phải) chưa thật sự khiến HLV Hữu Thắng an tâm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xét về mặt thành tích, HLV Nguyễn Hữu Thắng không thua kém những người tiền nhiệm kể từ sau triều đại Calisto. Thậm chí, dấu ấn của ông còn rõ nét hơn các đồng nghiệp người Việt hay chuyên gia ngoại F.Goezt. Nhưng, HLV Hữu Thắng có tạo ra sự khác biệt về thành tích hay không mới là điều đáng nói.

Hiểm họa từ niềm tin

Lần đầu tiên chúng tôi mới có cảm giác sau một trận đấu rất tốt của đội tuyển U22 Việt Nam nhưng mối lo lại tràn ngập. Khen đội U22 thì đương nhiên rồi, vấn đề là cái cảm giác bất an xuất hiện gần như cùng lúc.

Không khó để giải thích. Vài năm trước, các đội tuyển không thu hút sự quan tâm nhiều, hy vọng cũng vừa phải nên có khi chẳng phải lo lắng gì. Đằng này, vì U22 đang có một lứa cầu thủ tốt nên ai cũng tin rằng họ nhất định sẽ thắng HCV SEA Games. Vì kỳ vọng càng nhiều, tự nhiên càng thấy lo khi mà những lỗ hổng chết người vẫn còn đó, nơi hàng phòng ngự. Người ta càng lo hơn khi có cảm giác các điểm yếu đó không hề được chỉnh sửa gì cả dưới thời của HLV Hữu Thắng.

Phòng ngự hạng 2

Như chúng tôi từng phân tích, hàng thủ của U22 Việt Nam hiện nay nặng tính chắp vá với 5 cầu thủ đến từ các CLB khác nhau và không  có ai đang chơi chính thức ở nhóm các CLB hàng đầu V-League. Người chỉ huy hàng thủ lại là một cầu thủ hạng Nhất. Tóm lại, nếu xem Vũ Văn Thanh như một tiền vệ cánh thì trong tay HLV Hữu Thắng hiện nay chỉ là  các hậu vệ hạng 2. Như ai cũng biết, ông Thắng vốn là một hậu vệ nhưng việc tổ chức phòng thủ lại đang là vấn đề của nhà cầm quân xứ Nghệ.

Tiết chế cảm xúc

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu lối chơi tấn công của U22 Việt Nam có đủ sức mạnh để áp đặt lên mọi đối thủ. Thực tế thì chưa được như vậy.

Trong 13 bàn thắng ở vòng loại, chúng ta thấy xuất hiện nhiều tình huống ghi bàn từ ngoài vòng 16m50. Đó là một phương án ghi bàn hiện đại, tương đối mới với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự thiếu vắng một tiền đạo vùng cấm, buộc phải sử dụng việc tấn công từ tuyến 2. Trong khi đó, các tình huống cố định lại không thấy áp dụng nhiều, nhất là trong trận đấu với đối thủ mạnh Hàn Quốc. Phải chăng, được cái này thì mất cái kia chứ U22 Việt Nam không tiến bộ đồng đều?!

Nói cách khác: dù chọn tấn công làm sở trường nhưng U22 Việt Nam chưa thể hiện được sự vượt trội hoặc một thứ vũ khí lợi hại để gây bất ngờ cho những đối thủ ngang tầm. Về mặt trình diễn, đội tuyển U22 đang làm thỏa mãn người hâm mộ, nhưng đi sâu vào từng chi tiết, có lẽ nổi trội nhất qua vòng loại U23 châu Á vừa rồi chỉ là những pha ghi bàn của Công Phượng sau khi anh được chơi tự do hơn, trong khi vẫn chưa nhìn thấy các đường chuyền “chết chóc” của Xuân Trường hay những pha đá phạt của Quang Hải, Tuấn Anh…

Thế mới nói những sai sót của hàng thủ mới gây ra sự lo lắng đến mức nào. Hơn 20 năm qua, chưa từng có một đội tuyển trưởng thành nào của Việt Nam lại mong manh trong phòng thủ như U.22 của HLV Hữu Thắng. Tất nhiên, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa trước SEA Games, khó thay đổi được gì về mặt con người, điều mà HLV Hữu Thắng nên làm là “tiết chế cảm xúc”, tìm phương án hỗ trợ phòng ngự bằng đấu pháp có tính cân bằng hơn giữa công và thủ để tránh rơi vào nghịch cảnh: ghi 1 bàn rồi thủng lưới 2 bàn.

Tin cùng chuyên mục