Thay đổi để tốt hơn

Dù thất bại đáng tiếc ở bán kết AFF Cup 2016, nhưng những người làm bóng đá và giới mộ điệu lại có cớ để hào hứng trước sự kiện Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) quyết định cách tân thể thức thi đấu của sân chơi số 1 khu vực kể từ mùa giải 2018, với hy vọng gia tăng tính hấp dẫn cho giải đấu.

Theo đó, thay vì giữ 8 đội dự vòng đấu bảng như hiện tại, số lượng sẽ được nâng lên thành 10. Ngoài 9 đội xếp đầu theo thứ hạng trên bảng tổng sắp của FIFA nghiễm nhiên có suất, 2 đội xếp hạng 10 và 11 sẽ phải đá play-off để tranh tấm vé cuối cùng. Điều đáng chú ý là ở vòng bảng sẽ có những thay đổi đáng kể về thể thức. Cụ thể, 10 đội sẽ chia làm 2 bảng (mỗi bảng 5 đội), nhưng thay vì có 2 đội chủ nhà đăng cai tổ chức ở mỗi bảng như hiện tại, các đội sẽ đá vòng tròn có lượt đi - lượt về, giống như các đội bóng ở châu Âu tham dự vòng bảng Champions League.

Kết thúc vòng bảng (mỗi đội chơi 8 trận), 2 đội dẫn đầu ở mỗi bảng sẽ giành quyền vào bán kết (đấu chéo). Các trận bán kết và chung kết sẽ giữ nguyên thể thức hiện tại (lượt đi - lượt về), khác một chút so với Champions League (chỉ có bán kết đá lượt đi - lượt về, chung kết đá sân trung lập đã xác định từ trước).

Đây là một trong những lý do quan trọng mà trong phiên họp mới đây, Ban Thi đấu AFF Cup đã bàn bạc và thống nhất, AFF Cup năm 2016 sẽ là giải đấu cuối cùng theo thể thức thi đấu chia thành 2 bảng do 2 quốc gia đăng cai.

Vậy ngoài tính hấp dẫn, thể thức mới có ích gì cho bóng đá khu vực? Vấn đề này, dưới góc độ phân tích của các HLV, chuyên gia ở Đông Nam Á, chắc chắn đem lại những giá trị lớn. Đầu tiên, sự cách tân sẽ tăng doanh thu cho việc bán bản quyền truyền hình các trận đấu, nguồn tiền thu về từ bán vé do các liên đoàn thành viên quản lý cũng tăng đáng kể, có thể gấp nhiều lần so với hiện nay. Thứ nữa, người hâm mộ sẽ hào hứng hơn khi được chứng kiến đội tuyển của mình chơi nhiều trận trên sân nhà, sân khách, đồng thời tạo ra một hiệu ứng về truyền thông lớn trong nhiều tháng. Việc tăng thêm số lượng trận đấu và di chuyển nhiều hơn sẽ tạo điều kiện để các huấn luyện viên xoay tua lực lượng, toan tính chiến lược thay vì giữ nguyên bộ khung cho cả chiến dịch. Thương quyền của các đội tuyển quốc gia nhờ vậy sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia hơn.

HLV Steve Darby - người từng có thời gian làm việc cùng bóng đá Việt Nam, cho rằng đây là sự thay đổi tích cực và đáng chờ đợi của AFF, vì điều đó tạo ra thêm những cơ hội cho các đội bóng bị đánh giá thấp trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Brunei, Đông Timor được thi đấu nhiều trận hơn trên sân nhà, tốt cho chiến lược phát triển cả về chuyên môn lẫn hệ thống cơ sở vật chất.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đương nhiên ủng hộ chuyện này. Theo một quan chức, việc thi đấu sân nhà - sân khách sẽ tốn nhiều thời gian di chuyển hơn, nhưng người hâm mộ sẽ được xem nhiều trận đấu. Nếu vào đến chung kết, đội tuyển sẽ được thi đấu tới 7 trận trên sân nhà, đồng nghĩa với số lượng vé bán ra rất lớn. Chưa kể, không chỉ sân Mỹ Đình được mặc định là địa điểm thi đấu chính thức, mà sân Thống Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng có cơ hội tổ chức các trận đấu và kéo khán giả đến sân ủng hộ đội tuyển, cùng tạo nên một bầu không khí cổ động cuồng nhiệt khắp cả nước. Đấy là cách mà bóng đá Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang làm và hình thành được hiệu ứng rất mạnh mẽ trên các khán đài và qua các kênh truyền thông, quảng bá thường thấy.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục