Thất thế

Thể thao Việt Nam đã lên danh sách các VĐV, HLV được hưởng chế độ đặc thù (người trong nghề vẫn quen gọi với nhau là: chế độ trọng điểm) của năm 2017. Nhưng đáng tiếc, có môn không được gương mặt nào dù được sự cổ vũ đông đảo nhất, nhì.

Thể thao Việt Nam đã lên danh sách các VĐV, HLV được hưởng chế độ đặc thù (người trong nghề vẫn quen gọi với nhau là: chế độ trọng điểm) của năm 2017. Nhưng đáng tiếc, có môn không được gương mặt nào dù được sự cổ vũ đông đảo nhất, nhì.

Bóng đá lép vế so với nhiều môn đỉnh cao trong kế hoạch đầu tư trọng điểm năm 2017. Ảnh: Dũng Phương

Bóng đá, bóng chuyền lép vế

Trong 19 môn thể thao có HLV, VĐV được hưởng chế độ đặc thù là 800 ngàn đồng/người/ngày (đối với 1 VĐV) và 900.000 đồng/người/ngày (đối với 1 HLV), bóng chuyền và bóng đá không có ai. Có thể một lý giải đưa ra thực tế rằng, bóng đá và bóng chuyền là môn tập thể. Do vậy, chọn một cá nhân nào đó để đưa vào danh sách sẽ là khó cân đo đong đếm. Đồng thời, nếu có người vào danh sách thì sẽ qua nhiều khâu chọn lựa nên an toàn nhất là không có VĐV hay HLV nào. Về chuyên môn, đây lại đang là 2 môn thể thao thu hút đông người xem nhất mỗi khi giải VĐQG hay giải quốc tế nào tổ chức ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về khả năng chuyên môn, bóng đá và bóng chuyền lại có đặc thù... chưa thể giành HCV cho thể thao Việt Nam trong các Đại hội lớn. Mà mục tiêu đầu tư và để các HLV, VĐV được hưởng chế độ đặc thù là nhằm giúp họ được bồi bổ tốt nhất cả về tâm lý, tinh thần, vật chất chuẩn bị cho thi đấu giành kết quả cao nhất tại SEA Games, Asian Games hay Olympic.

Bóng đá đã không còn là môn trọng điểm nhóm 1. Môn này chỉ được xem vào nhóm cần phấn đấu nỗ lực giành HCV tại SEA Games chứ không nói tới các Đại hội khác. Bóng chuyền (nam, nữ) chưa một lần vô địch SEA Games vì rất nhiều đối thủ mạnh mà chúng ta khó thắng là Thái Lan, Indonesia. Do đó, ước mơ cao nhất của chúng ta chỉ là bảo đảm được kết quả HCB hoặc HCĐ tại SEA Games. Ngành thể thao không thể gật đầu chọn 6 cầu thủ bóng chuyền hay 11 cầu thủ bóng đá trong một đội ưu tú nhất để đưa vào danh sách hưởng chế độ đặc thù. Bởi vì, môn tập thể có đặc thù riêng và khi nó chưa đạt được kết quả tương xứng thì rất khó tạo niềm tin cho người đầu tư.

Vì sao không có bóng bàn?

Bất ngờ nhất là chuyện bóng bàn không có gương mặt nào trong danh sách VĐV, HLV hưởng chế độ đặc thù của năm 2017. Cuối năm 2016, nhà chuyên môn đã rất đề cao kết quả giành HCV cá nhân nam của tay vợt Nguyễn Anh Tú tại giải vô địch Đông Nam Á và HCV đồng đội nam, nữ. Chắc chắn, trong làng bóng bàn nói chung, chúng ta có VĐV triển vọng cần được nhận sự đầu tư trọng điểm để phát triển hơn. Ngày 11-2, khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng vì đâu bóng bàn không có VĐV được ở danh sách trên, Trưởng bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) – ông Phan Anh Tuấn khá ngỡ ngàng: “Thật sự tôi chưa biết điều này. Có thể trong giai đoạn cán bộ bộ môn đi công tác vào cuối năm ngoái nên chưa kịp làm tờ trình đề xuất HLV, VĐV được chọn vào danh sách trọng điểm. Tuần tới, tôi sẽ làm việc với lãnh đạo Tổng cục. Nếu có thêm sự bổ sung thì rất may cho bóng bàn”.

Bóng bàn thậm chí không được để ý dù vừa gây tiếng vang ở giải khu vực. Ảnh: Thiên Hoàng

Vắng VĐV bóng bàn trong danh sách là điều đáng tiếc. Ít nhất tại cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu năm 2016, bóng bàn có người ở trong 10 gương mặt nên môn này không thể thiếu sót như vậy. Trong khía cạnh chuyên môn, bóng bàn là môn đề cao tính cá nhân và năng lực của VĐV sẽ quyết định thắng thua tại trận đấu. Vì thế, đầu tư vào cá nhân 1 hoặc hơn 1 VĐV của bóng bàn là cần thiết. Bộ VH-TT-DL phê duyệt danh sách HLV, VĐV nhận chế độ đặc thù của năm 2017 là từ danh sách đưa lên của Tổng cục TDTT. Ngành thể thao hướng trọng tâm chính ở SEA Games 2017. Bóng bàn Việt Nam cũng đặt trọng tâm giành huy chương vào SEA Games tại Malaysia (mục tiêu đề ra là phấn đấu có 1 HCV). Hẳn lẽ, nhà quản lý sẽ cần xem xét bổ sung thêm con người cho bóng bàn. Trong 3 môn có sức hút khán giả nhất tại Việt Nam, ngoài bóng đá, bóng chuyền thì bóng bàn là môn luôn được nhắc tới rất nhiều.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục