Tây nhập tịch và ta ngoài nước

Giá như hồi năm 2009, VFF đừng gọi những Kesley Huỳnh, Đinh Hoàng Max lên tuyển thì có lẽ câu chuyện “ngoại binh nhập tịch” sẽ không gây tranh cãi triền miên.
Đinh Hoàng Max từng được HLV Calisto tín nhiệm. Ảnh: T.L
Đinh Hoàng Max từng được HLV Calisto tín nhiệm. Ảnh: T.L

Chính tiền lệ ấy đã chứng minh: Gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển là một giải pháp không thể bỏ qua.

1 Tây nhập tịch = nhiều ta ngoài nước

Cái dở của những nhà làm bóng đá Việt Nam không chỉ là chuyện tạo ra tiền lệ đó mà còn nằm ở cách xử lý những “cầu thủ Tây”.

Ví dụ: Chúng ta không có xu hướng ủng hộ “Tây nhập tịch” được lên tuyển nhưng lại rất nồng nhiệt với chuyện để cầu thủ Việt kiều ra vô đội tuyển một cách thoải mái. Thậm chí, có những cầu thủ còn chưa biết trình độ ở đâu, nhưng cứ về nước lại được tạo điều kiện để tập chung cùng đội tuyển. Cho đến lúc này, với hàng chục cầu thủ Việt kiều đã thử việc, chưa có ai đủ khả năng quên đi những gì mà Kesley Huỳnh, Đinh Hoàng Max… đã làm trong khoảng thời gian ngắn ngủi hồi năm 2009. Ngay với sân chơi V-League, các cầu thủ Việt kiều cũng chẳng cho thấy sự nổi bật nào cả trong lẫn ngoài sân bóng so với những “ông Tây 100%” kia.

Chính cái thái độ “welcome quá đáng”, bạ đâu cũng thử, khiến cho người hâm mộ cảm thấy bóng đá Việt Nam rất cần những cầu thủ có gốc gác bên ngoài để bổ sung chất lượng cho đội tuyển. Cộng với tiền lệ đã có nên quan điểm gọi “Tây nhập tịch” lên tuyển hoàn toàn có cơ sở để VFF phải cân nhắc. Bởi về mặt pháp lý lẫn tình cảm, chẳng có gì quá khác nhau giữa một Việt kiều sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, khả năng nói tiếng Việt cũng chỉ ngang với những cầu thủ Tây nhập tịch. Thật là thiếu công bằng và cả tính nhân văn nếu một người nước ngoài nhập tịch sinh sống, làm việc suốt 10 năm ở Việt Nam lại không bằng 1 người chỉ có gốc Việt về quê tìm việc làm.

Trách mình trước đã

Những người phản đối “Tây nhập tịch” lên tuyển chủ yếu dựa trên khía cạnh cảm tính, chứ ở mặt pháp lý, ngoài việc đã được pháp luật công nhận là “công dân Việt Nam” thì bản thân những cầu thủ “Tây nhập tịch” còn được VFF thừa nhận là “nội binh một phần” ở cấp CLB, tương đương với những cầu thủ Việt kiều.

Tất nhiên, ở cấp độ đội tuyển, hoàn toàn có những quy định riêng để bảo đảm lợi ích lâu dài cho bóng đá nước nhà. Nhưng một khi đã như vậy thì VFF phải thống nhất bằng một nghị quyết có tính kế thừa giữa các nhiệm kỳ, đồng thời cũng phải bảo đảm sự công bằng tuyệt đối giữa “Tây nhập tịch” và Ta ngoài nước” kiểu như muốn lên tuyển phải “100% Việt Nam”.

Kesley Huỳnh
Và điều quan trọng nhất để tránh một cuộc tranh cãi tương tự, đó là nhanh chóng tìm lối ra cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là V-League. Gần 2 thập niên cho phép sử dụng ngoại binh thế nhưng trình độ của bóng đá Việt chẳng tiến lên được là bao mặc dù mục đích sử dụng cầu thủ ngoại là để nâng cao mặt bằng trong nước.

Hãy thử nghĩ xem, nếu cầu thủ Việt phát triển cả về hình thể lẫn tài năng trong chừng đó thời gian thì làm gì “còn cửa” cho những cầu thủ ngoại hay Việt kiều. Thực tế cho thấy, khi V-League đánh mất vị thế của mình ở Đông Nam Á, số lượng cầu thủ Tây cũng ít đi, loanh quanh chỉ vài gương mặt quen thuộc.

Như mùa này, cầu thủ đang đứng đầu danh sách Vua phá lưới là Anh Đức, vốn đã 32 tuổi và không được trọng dụng ở đội tuyển quốc gia. Rõ ràng, cái khiến cho người hâm mộ phải nói đến chuyện đưa “Tây nhập tịch” vào đội tuyển không xuất phát từ mong muốn thành tích mà đến từ nỗi chán nản về chất lượng cầu thủ nội.

Tiêu biểu như Xuân Trường, 2 năm qua có đá được bao nhiêu trận tại CLB đâu, nhưng vẫn cứ là số 1 ở mọi cấp độ đội tuyển đấy thôi. Thiếu tài năng đến mức ấy, nhìn đội tuyển yếu ớt mãi, ai mà chẳng mong muốn bổ sung “ngoại lực”.

Tin cùng chuyên mục