Tập trung “siêu sang”

Đội tuyển U22 Việt Nam vừa có đợt tập trung ngắn hạn thứ 2, tức là chỉ gần nửa tháng sau đợt tập trung thứ nhất cũng trong tháng 7. Theo kế hoạch, vì mục tiêu HCV, đội U22 sẽ có tổng cộng 7 đợt tập trung, chưa bao gồm việc sang Philippines dự SEA Games 30.

Trong 7 đợt tập trung này, có 4 đợt ngắn hạn, tức là các cầu thủ chỉ lên khoảng 3-5 ngày rồi lại quay về. Theo lý giải của HLV Park Hang-seo thì các đợt ngắn hạn chủ yếu để ông “truyền đạt ý tưởng”, giúp cầu thủ làm quen với lối chơi chung. Danh sách của các lần tập trung ngắn cũng sẽ thay đổi liên tục để giúp ông Park tìm kiếm gương mặt mới.

Có thể nói ngay là kiểu tập trung đội U22 như chúng ta đang làm xứng đáng được xếp vào hạng “siêu sang”, không giống bất kỳ kiểu làm nghĩa vụ quốc gia nào cả. Tất nhiên là không thể trách HLV Park Hang-seo bởi chỉ có tập trung như thế này thì ông mới tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thử sức.

Thực tế là ngoài một số ngôi sao trẻ đã thành danh, vừa đá U23 lẫn đội tuyển quốc gia, thì đa số những tuyển thủ U22 hiện nay đều chơi ở giải hạng nhất, hoặc ngồi dự bị tại V-League. Chất lượng cầu thủ vì vậy không cao nên thầy Park phải dùng giải pháp bất đắc dĩ. 

Chuyện tập trung kiểu “siêu sang” này khiến chúng tôi nhớ đến gần 15 năm trước, HLV Alfred Riedl từng than thở việc các cầu thủ từ CLB lên đội tuyển gần như phải “dạy lại từ đầu”, trong đó có cả các yếu tố tâm lý, kỷ luật, sinh hoạt. Nói cách khác là có độ “vênh” khá lớn giữa CLB và đội tuyển quốc gia trên rất nhiều phương diện.

Ví dụ như “vênh” ngay việc khám sức khỏe cầu thủ, vốn là việc của CLB. Nhiều người thường lên tuyển, mới phát hiện ra chấn thương. Trung vệ Trần Đình Trọng đã được HLV Park Hang-seo cho nghỉ ở Asian Cup để anh điều trị dứt điểm chấn thương vốn bị đau từ AFF Cup 2018. Thế nhưng không hiểu sao, cầu thủ này trở lại đá V-League rất nhanh, rồi sau đó dính chấn thương nặng hơn. 

“Vênh” quan trọng nhất chính là chuyên môn. Chế độ tập trung dài hạn hiện vẫn phải áp dụng tại Việt Nam bởi cho đến nay, chẳng ai có thể xác định một phong cách thi đấu nào rõ nét tại các CLB. Cái gọi là “bản sắc bóng đá” hầu như không có.

Nhiều đội bóng cứ đưa thẳng 2 ngoại binh lên hàng công, thêm 1 người ở hàng thủ, rồi… cứ thế mà đá. Định hình phong cách thì hiện chỉ có Hà Nội và SLNA do có lực lượng cũng như truyền thống.

Ngay như HA.GL, hiện không thể xác định họ thuộc trường phái tấn công, hay chẳng qua họ phải tấn công chỉ vì không biết chơi phòng ngự. Thế nên mới có nghịch lý là HA.GL vẫn đóng góp nhiều tuyển thủ dù thành tích của họ tại V-League rất kém. 

Trước đây, có những trường phái khá rạch ròi ở bóng đá Việt Nam. Ví dụ như Cảng Sài Gòn, Công an Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Đồng Tháp có các kiểu đá đặc trưng, nên cầu thủ của họ cũng có những nét rất riêng về thể hình, tính cách. 

Tóm lại, đội U22 tập trung kiểu “siêu sang” không phải vì bóng đá Việt Nam giàu, mà vì tính nghiệp dư vẫn còn quá nhiều. Cầu thủ chuyên nghiệp chỉ cần vài ngày là ráp luôn đội hình đá giải. Chỉ có U17 trở xuống mới phải mất nhiều thời gian để “bổ túc trình độ”.

Tin cùng chuyên mục