Tâm lý và từ chức

Việc HLV Hữu Thắng cùng Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức tuyên bố từ chức và yếu tố tâm lý yếu của các cầu thủ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Việt Nam.
HLV Hữu Thắng và các học trò
HLV Hữu Thắng và các học trò
Vẫn còn những câu chuyện đọng lại từ thất bại của Việt Nam tại SEA Games 2017 và cần được làm rõ trong cuộc mổ xẻ rút kinh nghiệm của VFF sắp tới. Đó là việc HLV Hữu Thắng cùng Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức tuyên bố từ chức và yếu tố tâm lý yếu của các cầu thủ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Việt Nam.
Việc HLV Hữu Thắng tuyên bố từ chức ngay sau trận thua Thái Lan được xem là hành động tháo ngòi nổ, khiến dư luận như đang sôi sục cũng lắng dịu ngay lập tức. Bản thân vị HLV trẻ này cũng đã chọn một giải pháp khôn ngoan và thoát khỏi tâm điểm dư luận một cách ngoạn mục. Đó là về mặt dư luận nhưng không hẳn mọi việc cũng được “xếp hồ sơ”. Việc từ chức của HLV Hữu Thắng có giá trị nhận trách nhiệm ban đầu, nên cần được ghi nhận và phân tích để bản thân ông Hữu Thắng và ban huấn luyện không cảm thấy áp lực quá nặng nề nữa. Song song đó, một lời tuyên bố từ chức khác cũng được phát đi ngay sau khi Việt Nam không vượt qua được vòng bảng SEA Games, đó là của bầu Đức với vai trò Phó Chủ tịch VFF. Ông Đức thông qua báo chí hứa khi đi công tác nước ngoài về sẽ gửi đơn xin từ chức lên Ban chấp hành VFF với lý do là… giữ lời hứa trước đây! Lời từ chức này cũng được truyền thông dẫn lại và nhiều ý kiến khen ngợi. Nhưng nếu nhìn kỹ thì khác với HLV Hữu Thắng, việc từ chức của bầu Đức dường như… không liên quan gì đến trách nhiệm của ông ở VFF. Ông Đức tham gia Ban chấp hành VFF với tư cách Phó Chủ tịch phụ trách tài chính nên công việc chính được phân công nói nôm na là lo kiếm tiền, còn chuyên môn thuộc lĩnh vực của thành viên khác. Ông cũng nói rõ, do trước đây có tuyên bố nếu lứa cầu thủ Công Phượng không vô địch SEA Games thì ông sẽ từ chức. Như vậy, việc từ chức của bầu Đức chẳng qua là để giữ lời hứa về tuyên bố dành cho các học trò ở Hoàng Anh Gia Lai chứ không liên quan đến trách nhiệm Phó Chủ tịch VFF của ông! Nhiều người xem việc từ chức của bầu Đức là hành động đẹp vì trách nhiệm với VFF thì có vẻ như đang “lạc đề”.
Một câu chuyện khác là mấy ngày qua, rất nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân thất bại cay đắng của Việt Nam trước Thái Lan. Người hâm mộ có lúc như bị nhiễu thông tin bởi ai đưa ra lý do cũng đều cho thấy có tính thuyết phục, nhưng nếu tỉnh táo sẽ thấy, sau mỗi lý do được đưa ra đều có “vấn đề” của nó. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý có vẻ như được nhiều người đề cập nhất và đây đúng là một thực trạng của cầu thủ Việt Nam. Có thể nói, tâm lý chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, mà hầu như thường trực trong các đúc kết về điểm yếu của cầu thủ. Có nghĩa là, nó đã được nhìn nhận từ lãnh đạo bóng đá cao nhất cho đến ban huấn luyện, từng cầu thủ. Thông thường, một điểm yếu được nhìn nhận thì sẽ có giải pháp khắc phục. Vậy mà không hiểu sao chuyện tâm lý cầu thủ luôn lặp đi lặp lại sau mỗi thất bại của đội tuyển và kéo dài hàng chục năm nay. Nói một cách thẳng thắn, tâm lý yếu không phải là đặc điểm của người Việt Nam vốn có truyền thống bình tĩnh, mưu trí, lấy nhu thắng cương… Lẽ nào đội tuyển tập trung toàn những ngôi sao, đại diện cho nền bóng đá một quốc gia mà lại thiếu đi đặc điểm truyền thống của người Việt?
Mọi thứ đều mới là giả thiết nên rất cần VFF phân tích kỹ để xác định nguyên nhân chính xác. Nếu chỉ qua loa, nhìn nhận nguyên nhân dưới áp lực của bên này bên nọ, để rồi đưa ra những giải pháp dĩ hòa vi quý như vừa qua thì không thể thay đổi được thực tế thất bại cay đắng hiện nay.

Tin cùng chuyên mục