Sau ánh hào quang

Lấn sân sang lĩnh vực khác ngoài chuyên môn nghề nghiệp là điều không mới trong làng thể thao Việt Nam. 
Thủ thành Bùi Tiến Dũng trên sàn Catwalk. Ảnh: NGUYỄN THÀNH/ LĐO
Thủ thành Bùi Tiến Dũng trên sàn Catwalk. Ảnh: NGUYỄN THÀNH/ LĐO
Thậm chí, nhiều ngôi sao bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, bắn súng… còn được khuyến khích tham gia đóng quảng cáo cho các hãng thời trang, nước giải khát hay sữa nổi tiếng để vừa kiếm thêm thu nhập, lại vừa giúp đánh bóng không chỉ cho hình ảnh cá nhân mà cho cả CLB, đội tuyển thể thao mà VĐV đang phục vụ.
Tất nhiên, tỷ lệ người thành công thì ít, mà gây thất vọng hoặc ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp thể thao mà mình đang theo đuổi thì chiếm đa số. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì VĐV thể thao vốn dĩ chỉ quen với các giáo án huấn luyện nặng, các bài tập thiên về sức mạnh, thật khó mà phù hợp với sự uyển chuyển trên sàn biểu diễn thời trang, hay đóng một thước phim quảng cáo.
Thành thử, cũng dễ hiểu khi chúng ta chứng kiến dư luận phản ứng gay gắt sự kiện thủ môn Bùi Tiến Dũng của đội tuyển U.23 Việt Nam sải bước trên sàn catwalk thời trang mới đây, thay vì dồn hết tâm sức cho các buổi tập cùng CLB Thanh Hóa.
Dưới góc nhìn khắt khe của nhà quản lý thể thao, đấy là điều vô bổ, vì việc mà Tiến Dũng làm chẳng giúp ích gì cho môn bóng đá mà anh đang theo đuổi. Chưa kể, điều đó khiến anh mất đi nhiều buổi tập chuyên môn cùng các đồng đội chỉ để cố gắng khép mình vào khuôn khổ của kỹ thuật trình diễn sân khấu.
Với một cầu thủ trẻ như Tiến Dũng, luyện nghề để chóng thành tài, tốt hơn là băn khoăn với chuyện kiếm tiền, vì dù sao bóng đá cũng đã mang lại cho Tiến Dũng nhiều thứ, sự nổi tiếng và lòng yêu mến từ người hâm mộ nước nhà.
Trước Tiến Dũng, không ít ngôi sao thể thao từng thử sức ở các lĩnh vực khác, nhưng hầu hết đều dừng lại ở mức “vui là chính” và kiếm thêm chút thu nhập, rồi rốt cuộc cũng quay trở lại với nghề mà mình giỏi nhất: VĐV thể thao. Hiếm có người thành đạt cùng lúc cả thể thao và nghệ thuật.
Người hùng Hoàng Xuân Vinh từng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế. Chuyện là sau chiến tích lịch sử ở Olympic 2016, Xuân Vinh dành quá nhiều thời gian cho việc làm đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng, tham gia các chương trình quảng cáo, từ thiện… khiến anh sa sút phong độ, liên tiếp nếm trải thất bại ở các giải cấp thấp như vô địch quốc gia, SEA Games 29. Xuân Vinh mất dần những thứ vốn thuộc về mình, vị trí số 1 thế giới, ngôi vô địch World Cup và kể cả danh hiệu vô địch quốc gia. Giờ đây, anh đang nỗ lực đi tìm lại hình ảnh một ngôi sao thể thao của mình trong lòng công chúng, những người vốn dĩ chỉ quen với hình ảnh của Hoàng Xuân Vinh xạ thủ - người hùng chứ không phải Hoàng Xuân Vinh - diễn viên.
Cũng thành công từ đấu trường Olympic 2016, siêu kình ngư Joseph Schooling của bơi lội Singapore hiện vẫn trồi sụt phong độ, tập luyện và thi đấu đứt quãng vì bận tham gia… chụp hình và đóng phim quảng cáo cho hãng thời trang Hugo Boss. VĐV nổi tiếng nhất đảo quốc sư tử mới chỉ bước qua tuổi 22 và sự nghiệp bơi lội vẫn còn đang trải dài phía trước…
Sau ánh hào quang ngắn ngủi và đối diện với một sự nghiệp không kéo dài, bất cứ ngôi sao thể thao nào cũng sẽ trượt dốc và chìm vào quên lãng nếu không kiểm soát được tham vọng vượt ra ngoài sở trường của bản thân.

Tin cùng chuyên mục