Sam Allardyce chia tay Crystal Palace: Mối lương duyên ngắn ngủi

Chưa hết vui mừng sau khi giúp cho Crystal Palace trụ lại ở Premier League thành công, HLV Sam Allardyce bất ngờ chia tay đội chủ sân Selhurst chỉ sau 5 tháng gắn bó. Và đây được xem là mối lương duyên ngắn ngủi giữa Big Sam và The Eagles.
HLV Allardyce từ chức tại Palace.
HLV Allardyce từ chức tại Palace.

Nhiều nghi vấn


So với quyết định HLV David Moyes từ chức ở Sunderland, việc HLV Allardyce chia tay Palace là bất ngờ hơn cả. Trong hợp đồng, Big Sam còn đến hơn 2 năm làm việc với đội chủ sân Selhurst. Tuy nhiên mới có 5 tháng, chiến lược gia người Anh đã từ chức. Ngoài mặt, HLV Allardyce cho là vì “vấn đề gia đình”, nhưng nếu dựa vào tuyên bố: “Đây không phải là một quyết định khó thực hiện, mà là điều đơn giản.” thì rõ ràng có uẩn khúc.

Thực tế, dư luận cho rằng việc Big Sam nhận lời dẫn dắt Palace là nhằm vớt vát lại danh dự sau bê bối khi làm thuyền trưởng tuyển Anh. Song, phải lưu ý, nếu chỉ cần lấy lại uy danh thì ông đâu ký đến 2,5 năm hợp đồng với đội chủ sân Selhurst. Rõ ràng thời hạn hợp đồng đã nói lên rằng HLV Allardyce đã có kế hoạch dài hạn với Palace.

Nhưng có lẽ khi mọi thứ đã đi không đúng như đề ra, việc Big Sam chọn lý do “vì vấn đề gia đình” là một cách chia tay êm đẹp. Không chỉ cho ông, mà còn nhằm tránh tai tiếng cho cả Palace.

Tre đã già mà măng chưa mọc

Vài năm trở lại đây, tuyển Anh thường bị “chê” là tre đã già mà măng chưa mọc nếu đem so với thế hệ của John Terry, Steven Gerrard hay Frank Lampard…

Trên cương vị huấn luyện cũng vậy, nếu so với giai đoạn 1956-1985 khi các nhà cầm quân người Anh mang về 24 danh hiệu lớn nhỏ ở châu Âu, bây giờ chứng kiến sự sa sút thê thảm.

Không lấy mốc thời gian xa xôi, chỉ tính riêng mùa này, các HLV người Anh đã bị thất thế nghiêm trọng. Mike Phelan bị Hull.City xa thải, Alan Pardew rơi vào tình cảnh tương tự tại Crystal Palace. Trong khi đó, Gary Neville bước vào cương vị huấn luyện tại Valencia thì cũng chỉ tại vị hơn 3 tháng trước khi bị “trảm”.

Chỉ riêng Sean Dyche (Burnley) và Eddie Howe (Bournemouth) là giúp đội bóng trụ hạng thành công. Nhưng nên nhớ, công cuộc trụ hạng không hề dễ dàng với cả hai thì đừng nghĩ đến việc sẵn sàng nhảy vào đội bóng nào đó lúc “dầu sôi lửa bỏng” như HLV Allardyce hay làm.

Đành rằng từ khi bước vào nghiệp cầm quân cho tới nay, Big Sam chưa bao giờ được gắn mác chiến lược gia hàng đầu nếu lấy danh hiệu làm thước đo. Nhưng xét trên cả 5 giải lớn hàng đầu châu Âu, được bao nhiêu nhà cầm quân sẵn sàng “giải cứu” bất kỳ đội bóng nào khi gặp khó khăn. Đấy chính là cái đặc biệt để làm nên thương hiệu của Big Sam trong gần 25 năm cầm quân.

HLV Allardyce tuyên bố nghỉ hưu, cũng chính là lúc đánh dấu nước Anh "tuyệt chủng" những nhà cầm quân có năng lực thực sự. Đấy là thực trạng đáng buồn cho môi trường bóng đá hàng đầu thế giới, khi chỉ tạo ra được sân chơi đẳng cấp nhưng chẳng tạo ra nhà cầm quân giỏi. Có thể sau này, Dyche và Eddie Howe vươn lên được tầm như Big Sam. Và cũng có thể là trước khi nghỉ hưu, HLV Pardew cũng làm được điều đó. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn trước mắt thì “tre đã già mà măng chưa mọc” đối với các HLV người Anh tại Premier League.

Tin cùng chuyên mục