Quyền thi đấu và tính chuyên nghiệp

Trang mạng xã hội của CLB Incheon United sau trận đấu đầu mùa với Jeju đã bị “tấn công” bởi các bình luận (comment) tiếng Việt bằng lời lẽ rất bức xúc và thiếu văn hóa. 

Lý do rất đơn giản: Đây là trận đấu mà Công Phượng không được ra sân, khiến những “fan cuồng” cầu thủ này trở nên tức giận. Cơn bão chỉ trích này lớn đến mức HLV Andersen phải lên tiếng giải thích về việc chưa đến lúc sử dụng Công Phượng.

Trang Facebook chính thức của Incheon ban đầu chỉ có khoảng 30.000 lượt theo dõi, hiện đã tăng lên gần gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi CLB thông báo ký mượn Công Phượng 1 năm từ HA.GL. Trước đây, trang Facebook này nhận rất ít bình luận hay quan tâm, nhưng thời gian gần đây thì trở nên sôi động hơn, 7/10 comment viết bằng… tiếng Việt.

Ở khía cạnh nào đó, việc ký hợp đồng với Công Phượng đã giúp cho hình ảnh của CLB Incheon United được biết đến rộng rãi hơn tại Việt Nam. Đây cũng chính là một lý do quan trọng khiến các CĐV Việt Nam thất vọng khi ngôi sao của họ không được thi đấu. Nhiều người cho rằng, Incheon ký hợp đồng chẳng qua là để làm PR, điều này sẽ khiến cho tài năng của Công Phượng bị thui chột. Sự tức giận vì thế được nhân lên gấp nhiều lần, dẫn đến các chỉ trích rất thiếu văn hóa.

Mặc dù có thể thông cảm cho thái độ của những “fan cuồng”, nhưng rõ ràng điều này không hề tốt cho Công Phượng.

Giới hâm mộ bóng đá chắc chắn biết đến sự cố mới đây ở bóng đá Anh, khi thủ thành Kepa của Chelsea “chống lệnh” của HLV Sarri trong trận chung kết Cúp Liên đoàn, không chịu ra sân dù đã được yêu cầu. Từ giới chuyên môn lẫn người xem bóng đá đều đánh giá thấp hành động của Kepa, bởi đó là sự thiếu chuyên nghiệp khi không tôn trọng quyết định của HLV, để lại hình ảnh rất xấu cho CLB. Như vậy, nếu chúng ta phê phán Kepa thì việc đưa ra các chỉ trích nhắm vào HLV và CLB Incheon United trong việc sử dụng Công Phượng là không đúng. Quyết định sử dụng ai trên sân là quyền của HLV, người duy nhất chịu trách nhiệm về kết quả thi đấu, cần phải được tôn trọng. Phân tích kỹ hơn, nếu đã ký hợp đồng với Công Phượng để làm PR, thì chính lãnh đạo CLB Incheon United lại rất mong HLV Andersen đưa cầu thủ này vào thi đấu chứ không thể để Công Phượng đá dự bị và nhận các phản ứng tiêu cực. 

Còn xét về chuyên môn, việc sử dụng hạn chế Công Phượng đã được dự báo. Cách đây 3 năm, Xuân Trường cũng chỉ đá đúng 5 trận ở Incheon United trong mùa bóng đầu tiên tại K-League (Hàn Quốc). Vị trí hiện nay của Công Phượng là tiền đạo, về lý thuyết ít có cơ hội ra sân hơn cả Xuân Trường, chưa nói đến việc giới hạn cầu thủ ngoại trong một trận đấu. 

Mọi cầu thủ đều có quyền được thi đấu nếu tự tin vào năng lực của mình. Tuy nhiên, cái quyền đó chỉ nên được thể hiện trên sân tập và biết cách tận dụng những thời gian được HLV tín nhiệm trên sân, chứ không thể đến từ đòi hỏi vô lối của các “fan cuồng” hay những tác động về mặt thương mại, PR… Xét ở góc độ nào đó, Công Phượng không ra sân một vài trận đấu đầu mùa thực ra là điều tốt. Anh sẽ có thêm thời gian hồi phục sức lực sau thời gian cày ải cho đội tuyển Việt Nam, có thêm thời gian để làm quen với môi trường CLB mới. Việc phải ngồi dự bị cũng không làm cho Công Phượng bị “sốc” bởi anh đã được trải nghiệm điều này ngay ở Giải J-League 2 của Nhật Bản 3 năm trước, cũng như ngay tại đội tuyển Việt Nam. Chấp nhận quyết định của HLV, nỗ lực tập luyện, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để ra sân và tỏa sáng sẽ là cách tốt nhất để Công Phượng xác định được đẳng cấp của mình ở một giải đấu có tính chuyên nghiệp cao nhất nhì châu Á như K-League.

Tin cùng chuyên mục